Vướng quy định, hàng loạt công trình cấp nước nông thôn không có kinh phí sửa chữa

Hơn 3 năm kể từ thời điểm UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao hơn 90 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung về cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, vận hành, ngành chức năng chưa bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình.

Chú thích ảnh
Công trình cấp nước sạch thôn Tân Thịnh, phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được đầu tư xây dựng hơn 2,8 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2010. Sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình hư hỏng và bỏ hoang tới nay.

Trong khi các công trình ngày càng hư hỏng, xuống cấp, việc bố trí vốn để sửa chữa từ các nguồn chi thường xuyên, các chương trình mục tiêu quốc gia đều bị xác định là không có cơ sở.

Bàn giao 95 công trình cấp nước tập trung

Theo Quyết định số 290/QĐ-UBND, ngày 2/3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định bàn giao 92 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, sử dụng và khai thác. Đây là các công trình được xây dựng, đưa vào sử dụng từ các năm 2004 - 2018 và các đơn vị quản lý, vận hành là UBND các xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố của tỉnh.

Kế đó, trong các năm 2022 - 2023, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục ban hành các quyết định bàn giao 3 công trình cấp nước tập trung tại các huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong về cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, vận hành.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, sau khi thực hiện các thủ tục và tiếp nhận các công trình cấp nước tập trung, đơn vị đã bố trí nhân lực, vật lực để dọn dẹp vệ sinh, cải tạo, sửa chữa, khôi phục. Tình trạng phổ biến sau khi nhận bàn giao là các công trình đều đã hư hỏng, xuống cấp, công suất hoạt động và số hộ đấu nối thực tế thấp hơn nhiều so với thiết kế. Tính bình quân, mỗi năm Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã đầu tư từ 2 – 3 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ, vận hành các công trình cấp nước tập trung.

Từ thời điểm bắt đầu bàn giao (tháng 3/2021) đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông chưa được bố trí kinh phí cho các hoạt động cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Thực trạng này khiến việc duy trì, đảm bảo nguồn cấp nước sạch hợp vệ sinh cho hàng nghìn hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Bởi tất cả các chi phí, từ tiền điện, vận hành, sửa chữa nhỏ… đơn vị đều phải tự cân đối.

Ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho rằng việc quản lý, vận hành các công trình nước sạch nông thôn hiện đang chồng chất khó khăn. Đầu tiên là tỉnh Đắk Nông chưa có quy định về giá nước sạch nông thôn cũng như chính sách hỗ trợ các hộ dân (diện nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số) sử dụng nước sạch.

Hiện, giá nước thu của các hộ dân chỉ ở mức 3.500 - 7.500 đồng/m3, trong khi phần lớn các công trình có số hộ sử dụng ít (dưới 100 hộ) nên thu không đủ chi. Bên cạnh đó, nhiều năm liền từ khi quyết định bàn giao các công trình nước sạch nông thôn về cho công ty quản lý, tỉnh chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp, nhiều công trình đang tiếp tục xuống cấp, hư hỏng nặng, có nguy cơ phải ngưng hoạt động.

Cũng theo ông Nguyễn Thừa Anh, các quy định liên quan tới việc cấp nước sạch cho người dân nông thôn được quy định rất rõ ràng tại các chương trình mục tiêu quốc gia; các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, của UBND tỉnh Đắk Nông về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm nay việc bố trí kinh phí để đầu tư, sửa chữa các công trình nước sạch nông thôn chưa được thực hiện do rất nhiều vướng mắc liên quan.

Chú thích ảnh
Một công trình cấp nước sạch nông thôn tại Đắk Nông bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Loay hoay kinh phí

Theo Sở Tài chính Đắk Nông, sau khi được UBND tỉnh chỉ đạo cân đối, bố trí kinh phí cho việc sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông gửi công văn cho Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn.

Tại công văn phản hồi số 8319/BTC-NSNN ngày 22/8/2022, Bộ Tài chính đã nêu rõ: "Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, chi thường xuyên của ngân sách địa phương không có nhiệm vụ chi sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đã giao cho công ty quản lý. Do đó, tỉnh không sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ nêu trên".

Cũng theo Sở Tài chính Đắk Nông, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 không có quy định Nhà nước đầu tư vốn để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn đã giao cho doanh nghiệp và ghi thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tương tự, việc bố trí kinh phí từ nguồn vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia để sửa chữa, cải tạo các công trình cấp nước tập trung đã được bàn giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cũng không đúng quy định, không có cơ sở để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Phò, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông, trong trường hợp các công trình cấp nước tập trung vẫn do UBND các xã hoặc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) quản lý thì Sở Tài chính có đủ cơ sở để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn chi thường xuyên cho việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Còn sau khi đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông thì không bố trí được.

Nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch nông thôn đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông chỉ phù hợp với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Do đó, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh bổ sung vào danh mục kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026 - 2030.

Trước đó, như TTXVN đã thông tin vào ngày 9/7, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vừa rà soát, kiểm tra và xác định toàn tỉnh hiện có 262 công trình nước sạch tập trung nông thôn được đầu tư, xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Tổng công suất theo thiết kế của toàn bộ các công trình này gần 20.000 m3/giờ và tổng số hộ đấu nối theo thiết kế hơn 36.000 hộ. Đáng chú ý, tổng công suất thực tế chỉ 7.900 m3/giờ (chưa tới 40% so với thiết kế); tổng số hộ đấu nối gần 13.300 hộ, chỉ đạt gần 37%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, mùa khô vừa qua, bên cạnh hàng nghìn hecta cây công nghiệp thiếu nước tưới do khô hạn kéo dài, hàng trăm hộ dân tại một số địa phương tỉnh Đắk Nông đã lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn hiện nay ngày càng bức thiết.

Bài và ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Huy động 6.0 tỷ đồng xã hội hóa nâng cấp các công trình cấp nước tại Bình Phước
Huy động 6.0 tỷ đồng xã hội hóa nâng cấp các công trình cấp nước tại Bình Phước

Theo Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn, tỉnh cần nguồn vốn khoảng 10.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 5.550 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 4.934 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN