Tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) đã thông tin tới các cử tri về kết quả các hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, đồng thời báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 sắp tới. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cũng lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Các cử tri phát biểu đều thể hiện sự hài lòng, thống nhất với các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong thời gian qua, bên cạnh đó cũng nêu một số ý kiến đóng góp quan trọng.
Theo cử tri Nguyễn Mậu Dựng (Tổ 1 phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), trong thời gian gần đây, dư luận lại “nóng” lên một số vụ án về kinh tế, tham nhũng như: Vụ các tướng lĩnh Cảnh sát biển bị bắt về tội tham ô tài sản, vụ nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á, vụ Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch tập đoàn FLC bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán... Cử tri đề nghị Quốc hội, Trung ương thông tin, công khai cho nhân dân về tiến độ xử lý các vụ án trên và điều tra những vụ việc khác; thông tin việc thu hồi tài sản của Nhà nước từ các vụ án tham ô, tham nhũng; các biện pháp đẩy mạnh tính răn đe để chống tham nhung, thoái hóa, biến chất đối với các cán bộ, đảng viên...
Đồng quan điểm, cử tri Phạm Văn Chi (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, trong thời gian tới, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các văn bản dưới luật để có tính răn đe mạnh mẽ những hành vi xem thường kỷ cương, phép nước, gây hại cho xã hội, cho đất nước. Đồng thời, Trung ương cần nghiên cứu, có phương án thu hồi tối đa các tài sản, tiền ngân sách đã thất thoát do tham ô, tham nhũng.
Còn cử tri Trần Thị Hoa (phường Hải Châu I, quận Hải Châu) cho biết, bản thân là một giáo viên dạy môn Lịch sử, nên đề nghị Trung ương tiếp tục giữ môn Lịch sử là môn học bắt buộc ở tất cả các cấp. Nếu ở cấp Trung học Phổ thông, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong Tổ hợp xã hội. Theo tình hình thực tế hiện nay, sẽ có rất ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử để học, do ngành nghề liên quan đến lịch sử không nhiều, ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp sau này của học sinh. Bên cạnh đó, Chương trình và sách giáo khoa Lịch sử dù có nhiều cải tiến song vẫn còn khá nặng nề về sự kiện xã hội và số liệu ngày tháng, quá tải, chưa thực sự hấp dẫn đối với học sinh. Do vậy, nếu học sinh không chọn học môn Lịch sử, cử tri Trần Thị Hoa e ngại rằng sẽ mất đi một kênh giáo dục quan trọng về văn hóa, lịch sử của dân tộc cho học sinh.
Ngoài ra, cử tri thành phố Đà Nẵng cũng quan tâm các vấn đề: hỗ trợ sinh kế cho người dân sau dịch COVID-19; hỗ trợ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân; đề nghị tiếp tục các gói hỗ trợ đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn; tăng mức hỗ trợ cho các cán bộ không chuyên trách tại xã, phường... Các cử tri mong muốn thành phố sớm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án lớn như Cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, khu Làng đại học, dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn... để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành một khu đô thị phát triển, văn minh, hiện đại.
Trả lời ý kiến cử tri về các vụ án kinh tế, tham nhũng, đại biểu Trần Đình Chung (Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội Bộ - Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội) đã đồng tình, thống nhất với ý kiến cử tri về việc phải xử lý nghiêm các vụ án. Đại biểu Trần Đình Chung cho biết, quan điểm của Tổng Bí thư, các cơ quan Trung ương là phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, thu hồi tối đa các tài sản liên quan đến thất thoát do tham nhũng. Đồng thời, có biện pháp răn đe, giáo dục để các cán bộ không dám, không cần, không muốn tham nhũng. Các vụ án tham nhũng thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của lực lượng vũ trang, bộ máy chính quyền khi một số đối tượng đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để vi phạm pháp luật. Hiện các vụ án đang tiếp tục được điều tra xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác bởi các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các vụ án này để tấn công khối đoàn kết, thống nhất trong nước.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, góp ý của cử tri, Đoàn sẽ ghi nhận để tổng hợp phản ánh đến các cấp có thẩm quyền. Đoàn đánh giá cao ý kiến của cử tri về việc coi môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở các cấp học, qua đây sẽ có ý kiến để Quốc hội xem xét. Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí sẽ không dừng lại, mà còn được đẩy mạnh hơn nữa ở tất cả các cấp. Nếu như trước đây chỉ phát hiện, xử lý những vụ việc xảy ra từ lâu, thì hiện nay lực lượng chức năng đã phát hiện kịp thời, điều tra, xử lý ngay lập tức, điển hình như vụ Công ty Việt Á. Trong thời gian tới, Trung ương sẽ cho ý kiến thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Cử tri và người dân cũng có thể yên tâm theo dõi các thông tin chính thống về xử lý các vụ việc “nóng” một cách kịp thời, công khai.