Nghị quyết số 43-NQ/TW của Trung ương cũng xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế của thành phố.
Dựa trên các định hướng, thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp. Theo quy hoạch chung đến năm 2030, dự kiến quỹ đất công nghiệp, công nghệ cao đặt khoảng 4.119 ha, tăng khoảng 1.531 ha so với hiện trạng. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm. Cùng với phát triển các hạ tầng công nghiệp, Đà Nẵng chú trọng phát triển công nghiệp tập trung, công nghiệp sinh thái, công nghiệp – dịch vụ, công nghiệp – đô thị để đóng vai trò "đòn bẩy" cho nền kinh tế thành phố.
Để đáp ứng các mục tiêu, định hướng đã đề ra, Ban quản lý tích cực thúc đẩy tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng trên toàn bộ diện tích khu công nghệ cao – giai đoạn III, tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao theo hướng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển, sáng tạo, khởi nghiệp. Ban quản lý cũng chú trọng các tiêu chuẩn về năng lực thương mại hóa công nghệ, khả năng đóng góp của lực lượng cựu sinh viên, năng lực hợp tác quốc tế, tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, châu Âu…
Trong giai đoạn trước mắt, Ban quản lý tập trung triển khai các hoạt động đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung (cấp thoát nước, xử lý chất thải, giao thông nội khu…). Đồng thời rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng để bố trí cho các nhà đầu tư có tiềm năng. Ban quản lý cũng sẽ phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng rà soát quỹ đất chưa khai thác tại các Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hòa Cầm để tiếp tục phối hợp xúc tiến đầu tư.
Để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp mới, Ban quản lý đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn tư vấn lập, thẩm định, phê duyệt giá trị đề xuất nộp ngân sách tối thiểu. Ban quản lý cũng chủ trương đề xuất ưu tiên các danh mục cơ cấu đầu tư chuyên sâu, các ngành nghề hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao (linh kiện kim loại, nhựa, cao su…), các ngành điện tử, chế tạo khuôn mẫu chất lượng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng cao cấp… Từ đó hình thành các cụm liên kết ngành giữa khu công nghệ cao, các khu công nghiệp hiện hữu và các khu công nghiệp mới, nhằm thu hút các doanh nghiệp đến hoạt động như một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.128 ha; khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn I) với tổng diện tích đất hơn 131,1 ha và 6 khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 1.066 ha. Lũy kế đến nay, các khu đã thu hút hơn 500 dự án đầu tư; trong đó, có hơn 390 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng và gần 130 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.