Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, trong 10 năm qua, thành phố chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, giáo dục kỹ năng sống, ý thức cá nhân, đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức, xã hội học tập và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, thành phố ưu tiên nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển nói chung và văn hóa nói riêng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa, thông tin trong tổng chi đầu tư phát triển tăng từ 3,7% năm 2017 lên 4,5% năm 2023, tỷ trọng chi đầu tư cho văn hóa, thông tin trên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tương ứng tăng từ 0,24% lên 0,32%.
Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình văn hóa, thể thao quan trọng có quy mô lớn, như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Cung Thể thao Tiên Sơn, Sân bóng đá Hòa Xuân...; nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, tu bổ, phục hồi di tích Thành Điện Hải... Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, với sự quan tâm đầu tư của thành phố, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở quận, huyện, phường, xã từng bước được hoàn thiện. Đây là những địa điểm tập trung sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí của người dân địa phương.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, diện mạo văn học nghệ thuật Đà Nẵng từ năm 2014 đến nay đã có chuyển biến rõ rệt, đậm nét, phát triển tương đối đồng bộ. Văn học nghệ thuật thành phố đã nỗ lực vươn tầm khu vực và quốc tế trên một số chuyên ngành như, văn học, điện ảnh và nhiếp ảnh... Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nghẽn do tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật thành phố vẫn chưa thực sự được xem là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị.
Ông Bùi Văn Tiếng đề xuất, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xem xét, sắp xếp hai chức danh Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố ngang với chức danh Bí thư Quận ủy, Huyện ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy.
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, thi đua đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đà Nẵng cần tiếp tục xây dựng bản sắc văn hóa con người năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện trên cơ sở bồi đắp và hun đúc những giá trị tốt đẹp của người Việt Nam; bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các cấp chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích văn hóa cấp quốc gia, đặc biệt, di sản được tổ chức UNESCO ghi danh. Đồng thời xây dựng Ðề án phát triển thành phố Ðà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn học, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đầu tư xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp cấp vùng làm công trình tiêu biểu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.