Đây là làng nghề truyền thống đầu tiên trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Theo đó, Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền được hưởng các chính sách hỗ trợ về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và các chính sách có liên quan.
Quyết định cũng nêu rõ, UBND huyện Long Điền chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính - Kế hoạch và các phòng, ban chuyên môn liên quan của huyện chủ động tham mưu, đề xuất kinh phí hỗ trợ ngành nghề nông thôn nói chung, làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi nói riêng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến nông, khuyến công… nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bền vững, phù hợp với định hướng phát triển và định hướng phát triển của địa phương gắn với phát triển du lịch và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), bánh tráng An Ngãi là 1 trong 6 nghề đã được UBND Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận là nghề truyền thống, đây lại là Làng nghề truyền thống đầu tiên trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định công nhận.
Theo UBND xã An Ngãi, Làng nghề truyền thống An Ngãi có trên 50 năm hình thành và phát triển, đến nay toàn xã có 128 hộ tham gia làm nghề bánh tráng (chiếm 58,72% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn toàn xã), phân bố rải rác trên địa bàn 5 ấp gồm An Hòa, An Bình, An Phước, An Lộc và An Thạnh.
Năm 2013, nghề làm bánh tráng xã An Ngãi đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định 1215/QĐ-UBND. Từ năm 2013 tới nay, nghề làm bánh tráng của xã An Ngãi đã từng bước nâng cao chất lượng và ổn định thị trường, đa dạng các sản phẩm như bánh tráng nem cỡ nhỏ, cỡ lớn, bánh tráng ớt… Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Việc triển khai dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi đã tạo điều kiện để người làm nghề bánh tráng tại địa phương tiếp cận với công nghệ, máy móc và trang thiết bị hỗ trợ như máy xay bột, lò tráng điện… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và sức lao động. Đồng thời, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng về cả số lượng lẫn chất lượng sản phẩm.