Bắc Giang: Dự kiến chuẩn bị gần 4.300 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn, dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ tăng khoảng 2-5% so với Tết Quý Mão 2023.

Chú thích ảnh
Người dân đến mua sắm trong siêu thị CoopMart. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Thị trường trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu sôi động và được kích cầu bởi Chương trình "Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023" (từ ngày 27/11/2023 đến hết ngày 03/12/2023).

Sức mua sẽ tập trung cao những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau Tết (từ mùng Ba đến Rằm tháng Giêng). Bên cạnh xu hướng tiêu dùng hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn được bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cũng được người dân quan tâm, mua sắm.

Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao (bánh kẹo, rượu, bia các loại), có mẫu mã, bao bì đẹp và hàng đồ uống có độ cồn thấp (bia, rượu vang, nước ngọt…); sức mua tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ ngày mùng 10 đến 30 tháng Chạp.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch cung ứng hàng thiết yếu trị giá 4.286 tỷ đồng phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh, gồm: 1.874 tấn gạo, đỗ các loại; 6.9 tấn thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá…); 693 tấn rau xanh, củ, quả các loại; 1.108 tỷ đồng thực phẩm công nghệ (bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; mỳ chính, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn…); 636 tỷ đồng hàng hóa khác (rượu, bia, nước giải khát…); 90.420 m3 xăng dầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, thương nhân ở địa phương cũng sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như: mặt hàng nông sản khô, hoa tươi, cây cảnh…

Sở Công Thương Bắc Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục quan tâm nắm bắt tình hình sản xuất, yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm của tỉnh; theo dõi hoạt động chăn nuôi (lợn, gà…) trên địa bàn, dự kiến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thực phẩm tươi sống để kịp thời chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho thị trường trong các tháng cao điểm trước, trong, sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

Cục Quản lý Thị trường tỉnh triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; trọng tâm là các tụ điểm tập kết, các kho hàng hóa của doanh nghiệp và đại lý, các chợ… trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi vi phạm quy định về thời gian bán hàng, niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết…

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh. Hàng hóa bán ra thị trường phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng. Không sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hình thức kinh doanh, mở rộng mạng lưới, tổ chức các điểm bán hàng tự chọn, bán hàng một giá, đóng túi quà… và tổ chức bán hàng đến các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 11/2023 ước đạt trên 3.570 tỷ đồng, tăng 5,71% so với tháng trước. 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 35.600 tỷ đồng, tăng 11,% so với cùng kỳ.

Việt Hùng (TTXVN)
Làng nghề trồng hoa kiểng xuống giống phục vụ thị trường Tết 
Làng nghề trồng hoa kiểng xuống giống phục vụ thị trường Tết 

Theo UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, vụ hoa Tết năm nay, 2 làng nghề trồng hoa kiểng của tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 410.000 chậu hoa các loại cung cấp cho thị trường; trong đó, làng nghề ấp Long Bình (phường 4, thành phố Trà Vinh) sản xuất khoảng 110.000 chậu; làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) 300.000 chậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN