Tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, nhằm góp phần đảm bảo đời sống sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Chỉ đạo quyết liệt
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo, trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra; thực hiện phương châm “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân”.
Các địa phương đảm bảo 100% hộ có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề phải tham gia “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50 m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được, phải thành lập “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và có tối thiểu một “Điểm chữa cháy công cộng”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy (dạng bột ABC từ 4 kg trở lên) tại gia đình; đồng thời, vận động người thân, nhân dân nơi cư trú thực hiện. Đặc biệt, là các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50 m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được phải thành lập Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và có tối thiểu một “Điểm chữa cháy công cộng”.
Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trong năm nay, mỗi gia đình phải có ít nhất một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy phải được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mỗi gia đình trang bị tối thiểu một bình chữa cháy. 100% cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tỉnh đặt mục tiêu đến hết tháng 9/2023, vận động 50% gia đình tự trang bị bình chữa cháy, mỗi hộ có ít nhất một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Đến hết năm 2023, tất cả 226.853 hộ gia đình trong tỉnh tự trang bị bình chữa cháy.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa
Theo Đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và Công an các địa phương tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự… có nguy cơ cháy, nổ cao. Từ đó, đánh giá thực trạng, đề ra các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Công an tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép.
Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ cho ban quản lý chung cư, các cơ sở cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn hộ gia đình có “chuồng cọp” mở lối ra khẩn cấp và 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Ân, Trưởng Công an thành phố Bạc Liêu, là địa bàn có mật độ dân cư đông, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các phường, xã tăng cường xây dựng các mô hình phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn dân cư như: Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng; khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy… nhằm xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, sẵn sàng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bạc Liêu) thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy, nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh trên địa bàn.
Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho biết, lực lượng thường xuyên kiểm tra thực trạng công tác phòng, chống cháy nổ, việc trang bị, vận hành hệ thống báo cháy, dụng cụ chữa cháy… tại các khu chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ… để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi vừa mới phát sinh.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp đẩy mạnh tuyên truyền đến quần chúng nhân dân bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả như: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng cháy, chữa cháy; phát tờ rơi; hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app “Báo cháy 114” trên điện thoại di động; tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ như: cửa hàng xăng dầu, khu chung cư, các điểm chợ trên địa bàn tỉnh…
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy sẽ góp phần không nhỏ trong việc chung tay đẩy lùi và hạn chế nguy cơ cơ cháy nổ ở địa bàn dân cư, gia đình và xã hội. Qua đó, mang lại cuộc sống an toàn cho mọi nhà, xã hội và để những tiếng còi cứu hỏa… không phải vang lên.