Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đề nghị: Tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người dân nông thôn. Tỉnh xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn và nâng cao toàn diện thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, đảm bảo công bằng xã hội.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Hòa Bình cần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nghề nghiệp…
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26, tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, rà soát, điều chỉnh và lập mới hơn 19 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trung bình 4,02%/năm (mục tiêu Nghị quyết đạt 3,5 - 4%/năm). Thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên gấp 3 lần so với năm 2008 (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 tăng 2,5 lần so với năm 2008). Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt 46% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 đạt khoảng 50%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo năm 2020 đạt 55% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 đạt trên 50%). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2020 là 8,6%, dự kiến đến cuối năm 2021 giảm xuống 6,6%. Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Lao động nông thôn năm 2020 giảm còn khoảng 40% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 30%).
Ông Bùi Đức Hinh cũng đề xuất với Trung ương một số vấn đề như: Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu đề ra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích hơn nữa đối với các hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách khuyến khích nông dân trong tích tụ, tập trung đất đai, phát triển thị trường chuyển nhượng, cho thuê đất nông nghiệp với quy mô lớn giữa tổ chức, doanh nghiệp trong nước; tăng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia cho tỉnh; nguồn vốn đầu tư công Trung ương cho các dự án xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Giao thông; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà; Dự án ổn định dân cư vùng thiên tai…
Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát tình hình sản xuất cam tại xã Bắc Phong và làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) về xây dựng nông thôn mới.