Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó có sự chăm lo, gìn giữ những ngôi chùa Phật giáo Nam tông để bảo tồn, giúp đồng bào Khmer có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo khang trang.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông. Với đồng bào Khmer, ngôi chùa là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Do vậy, ngôi chùa Phật giáo Nam tông là một công trình kiến trúc thể hiện đậm nét nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, thể hiện nét văn hóa - nghệ thuật và là không gian thiêng liêng nhất đối với đồng Khmer.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Thạch Bồi cho biết, nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị 19 - CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho các chùa hoạt động tôn giáo đúng theo đạo pháp, đúng quy định của pháp luật. Tỉnh còn chủ động dành nguồn kinh phí tương xứng đầu tư, cho phép sửa chữa tôn tạo, các ngôi chùa nhằm gìn giữ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa độc đáo của bản sắc văn hóa đồng bào Khmer.
Chùa Âng (Wat Angkor Raig Borei), ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, nằm trong cụm danh thắng cảnh Ao Bà Om và Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 (năm 990) và xây dựng qui mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 theo dương lịch. Ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa qua nhiều lần với nhiều hạng mục như: Chánh điện, tăng xá, trai đường… Lần sửa chữa tôn tạo chùa Âng gần nhất vào năm 2021, với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư.
Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Sư Cả chùa Âng cho biết, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh rất quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt đối với đồng bào Khmer Trà Vinh. Năm 2021, chùa Âng được tỉnh đầu tư trùng tu. Khi chuẩn bị khởi công công trình, một số phật tử, sư sãi có chút lo ngại rằng, việc trùng tu, sửa chữa không giữ lại được nguyên trạng công trình kiến trúc cổ xưa, đặc biệt là ngôi Chánh điện. Tuy nhiên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã có sự lựa chọn chặt chẽ nhà thầu Công ty TNHH Nội thất xây lắp Trà Vinh đủ năng lực chuyên môn, thực hiện việc sửa chữa, tôn tạo các hạng mục công trình đúng nguyên hiện trạng, đạt chất lượng mỹ thuật cao về kiến trúc Khmer Nam Bộ.
Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Sư Cả chùa Kompong (Ông Mẹt), tọa lạc trên địa bàn phường 1, thành phố Trà Vinh phấn khởi cho biết, chùa Kompong là ngôi chùa cổ được xây dựng vào năm 642. Chùa đã được tư sửa qua nhiều lần, nhưng lần gần nhất là năm 2022 được tỉnh đầu tư hơn 23 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để sư sãi tu học, phật tử đến chùa sinh hoạt tín ngưỡng...
Ông Kim Trọng, Trưởng Ban Quản trị chùa Kompong cho biết, chùa Kompong khi được tu bổ, tôn tạo, điều băn khoăn nhất đối với Sư Cả và Ban Quản trị chùa là tôn tạo lại mái ngói cổ xưa và những hoa văn, họa tiết đúng nguyên trạng. Nhưng với sự quan tâm của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cùng năng lực và trách nhiệm của đơn vị thi công, ngôi chùa đã hoàn thành đúng tâm ý của Sư Cả và phật tử trong việc gìn giữ bản sắc nghệ thuật kiến trúc cổ xưa để lại.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, năm 2023, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Ba Si, trên địa bàn xã Phương Thạnh, huyện Càng Long. Công trình hiện nay đã được thi công khoảng 96 % khối lượng, sắp đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến 6 tháng.
Những năm qua, việc tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer luôn được ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đặc biệt chú trọng, lựa chọn các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, đảm bảo năng lực chuyên môn, có sự am hiểu nhiều về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo chu đáo đời sống tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh nói riêng và đồng Khmer Nam Bộ nói chung.