Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) là mảnh đất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, cùng điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng... Tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm. 

Chú thích ảnh
Di tích Đình Mỏ Gà được người dân địa phương bảo tồn, tôn tạo để phát triển du lịch

Xã miền núi Phú Thượng có diện tích trên 5.000 ha, cách trung tâm tâm thành phố Thái Nguyên 40 km, chủ yếu là các dân tộc thiểu số sinh sống, là nơi có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo, được thể hiện sinh động qua loại hình văn hóa hát then, ẩm thực và sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây.

Trong thời gian qua, xã Phú Thượng đã tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, sau khi chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Thái Nguyên được triển khai, người dân trong xã, nhất là người dân xóm Mỏ Gà, đã bắt tay ngay vào việc đầu tư nâng cấp những ngôi nhà sàn truyền thống, mua sắm vật dụng, để phục vụ khách du lịch. 

Đến nay, xóm Mỏ Gà đã lựa chọn được 4 hộ đủ điều kiện triển khai mô hình lưu trú tại gia và tiếp tục hỗ trợ 6 hộ xây dựng mô hình lưu trú cộng đồng; thành lập 1 đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ dân gian (hát then, đàn tính). Một số hộ dân trong xóm còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống để phục vụ du khách trải nghiệm. Các hộ dân trong xóm thường xuyên chế biến món ăn truyền thống như: Khẩu si, bánh trưng đen, xôi ngũ sắc, để phục vụ gia đình và du khách.

Chú thích ảnh
Một homestay mới được xây dựng để phục vụ khách du lịch ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng

Ông Lành Văn Hữu, Bí thư Chi Bộ, Giám đốc HTX Nông – Lâm nghiệp Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cho biết: "Mặc dù mới đi vào hoạt động gần 1 năm, nhưng lượng khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm tương đối đông, trong đó có cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, HTX có 78 thành viên, chúng tôi đang liên kết cùng với các hộ dân trồng và chế biến các sản phẩm nông sản là thế mạnh của địa phương. Đối với nội dung làm du lịch cộng đồng, HTX cũng đẩy mạnh tổ chức đa dạng các hoạt động như tổ chức các trò chơi dân gian, phát triển homestay, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hát then, đàn tính...".

Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, kết hợp sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất cho các homestay, đồng thời, mua sắm các trang thiết bị đẩy mạnh hoạt động văn hoá văn nghệ để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến trải nghiệm.

Anh Hoàng Anh Giang (sinh năm 1978) người dân tộc Tày, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây làm nông nghiệp, từ khi tham gia HTX, gia đình tôi đã dựng nhà sản với diện tích 130m2, có sức chứa khoảng 40 khách. Du khách đến thăm quan, du lịch trải nghiệm tại xóm Mỏ Gà có thể dừng chân, nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn dân tộc và tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ. Việc phát triển mô hình lưu trú không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, mà còn đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương".

Ông Trần Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cho biết: Hiện nay, trong xóm có 13 hộ còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Năm 2019, xóm Mỏ Gà được đầu tư, khôi phục một số nhà sàn truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Ngay sau khi được Ủy ban Nhân dân huyện Võ Nhai lựa chọn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng, người dân xóm Mỏ Gà đã nhận thức rõ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Thời gian tới, địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến điểm du lịch cộng đồng tại xã Phú Thượng, đầu tư thêm kinh phí để hỗ trợ người dân giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc lâu dài.

Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời kỳ đổi mới.

PV
Vốn tín dụng chính sách - trụ cột cho chương trình giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên
Vốn tín dụng chính sách - trụ cột cho chương trình giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Tính đến ngày 31/10/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang là 255.730 triệu đồng, tăng 45.773 triệu đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Thái Nguyên lên 4.920.656 triệu đồng, tăng 2.093 triệu đồng so với cuối năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN