Quyết định này được đưa ra sau khi Sở Y tế tỉnh báo cáo vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là lái xe tải từ Thành phố Hồ Chí Minh về thị xã An Nhơn.
Cụ thể, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với phường Bình Định, thị xã An Nhơn; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 đối với các phường, xã còn lại của thị xã An Nhơn.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo thực hiện thêm các giải pháp đối với mức "nguy cơ rất cao" như tổ chức lại sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không để đứt gãy, gián đoạn cung ứng hàng hóa. Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Thị xã An Nhơn Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không đảm bảo an toàn; dừng các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Không tập trung từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, người cách ly được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi UBND thị xã An Nhơn cho phép. Các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Không ngăn sông, cấm chợ. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn thị xã.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp cấp bách để tổ chức giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm các hoạt động lao động, sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Đến chiều 19/7, tỉnh Bình Định ghi nhận 45 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó 20 ca ở thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn 16 ca, thị xã An Nhơn 8 ca và huyện Phù Mỹ 1 ca.
* Từ 0 giờ ngày 20/7, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh trong vòng 14 ngày. Riêng thị xã La Gi vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 28/7.
Tỉnh tạm dừng các hoạt động hội họp, các hoạt động văn hóa, thể thao, các sự kiện tập trung trên 10 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện… Đề nghị người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được bán tại chỗ, chỉ được bán mang về. Đối với các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn đồng thời đánh giá mức độ nguy cơ, thực hiện tốt “”4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Các địa phương tăng cường giám sát người từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa bàn.
Các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, lại các chợ truyền thống; nếu các chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì tạm dừng ngay hoạt động, khi tổ chức được phương án hoạt động an toàn phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại. Song song với đó, phải tính toán các phương án lập điểm bán hàng lưu động để đảm bảo việc tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho người dân.
Sở Công Thương đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Sở Giao thông vận tải tạm dừng các hoạt động giao thông công cộng; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở. Bắt buộc tất cả lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa, trước khi xuất bến phải đăng ký với chính quyền. Khi trở về Bình Thuận phải khai báo lịch trình di chuyển tại Chốt kiểm soát dịch và phải lưu trú, sinh hoạt tại địa điểm tập trung riêng biệt do doanh nghiệp, đơn vị vận tải tự bố trí.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế,… đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; điều phối tốt các cơ sở y tế có chức năng xét nghiệm đáp ứng nhu cầu truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả; tổ chức, phân luồng, điều trị tốt các ca bệnh xác định. Đồng thời, Sở Y tế khẩn trương ban hành phương án nhân sự, chăm sóc tốt hơn cho nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, bảo toàn đội ngũ y tế, các bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 để có sức khỏe làm việc lâu dài trong mùa dịch.
Từ khi có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng (24/6) đến ngày 19/7, tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 96 trường hợp mắc và 17 trường hợp nghi mắc COVID-19 tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Thị xã La Gi là “điểm nóng” về dịch COVID-19 tại tỉnh với hơn 70 ca mắc và nghi mắc. Trong đó, chùm ca bệnh phát sinh tại chợ được nhận định rất phức tạp. Tỉnh đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi 14 ngày từ ngày 15/7 theo Chỉ thị số 16. Lực lượng chức năng thị xã đã truy vết được 446 trường hợp F1 và phong tỏa 19 điểm có liên quan đến các trường hợp mắc COVID-19. Bên cạnh đó, địa phương cũng tạm dừng hoạt tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.