Thiếu nguồn cung lao động chất lượng
Trước tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Bình Dương khá lớn. Trên thực tế, trong số khoảng 66% lao động đã qua đào tạo tại tỉnh Bình Dương, không ít lao động đã được chính doanh nghiệp đào tạo từ nguồn lao động phổ thông.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai chia sẻ, công ty chuyên sản xuất các thiết bị, máy móc về điện. Thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất là khoảng 7 triệu đồng/tháng. Đối với lao động có tay nghề, mức lương thưởng sẽ cao hơn. Thực tế, nếu tuyển được đội ngũ lao động đã qua đào tạo sẽ góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc cho rằng, đối với doanh nghiệp, việc tìm nguồn nhân lực phục vụ sản xuất là vấn đề cốt lõi. Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nên có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nhân lực chất lượng cao để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, chiếm 20,4% cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh; trong đó, có 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp do địa phương quản lý. Các cơ sở đào tạo công lập cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ở địa phương.
Tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức chia sẻ, trường đã và đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức, châu Âu phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam. Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với hai nhóm nguồn nhân lực là sinh viên trình độ đại học, thạc sỹ và tham gia hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp của địa phương, trong đó, chú trọng trang bị, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo. Đây là yêu cầu rất lớn đối với một tỉnh lấy công nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển như Bình Dương...
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, hiện nay, công tác đào tạo ở các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính của các trường, thiếu hụt giáo viên dạy nghề...
Cùng với đó, cần có cơ chế thông thoáng, chính sách có lợi để doanh nghiệp hợp tác, đồng hành cùng các trường giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo dựng việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Bình Dương cần tính đến sự tương quan giữa nguồn lao động hiện có với quá trình quy hoạch phát triển các ngành nghề một cách phù hợp. Công tác quy hoạch, xây dựng trường nghề cần hướng các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần tích cực đổi mới công nghệ nhằm tăng tính chủ động trong các hoạt động sản xuất.
Ông Phạm Văn Tuyên cho biết, tỉnh đã xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không chỉ dừng ở công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 19/CTr-TU đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030 nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc đào tạo, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm công nghiệp hiện đại.
Đến năm 2045, nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu của một trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có năng suất lao động cao có đủ năng lực làm chủ, áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của một đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là theo dõi, phát hiện và xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh, sinh viên xuất sắc có năng lực, tâm huyết, có hướng gắn bó lâu dài để tuyển chọn hoặc tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho ngành nghề mà nền kinh tế của tỉnh rất cần như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, khoa học sức khỏe…
Tỉnh đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; chú trọng giới thiệu và định hướng ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 (các ngành trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…) ở bậc phổ thông nhằm mục tiêu ươm mầm nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương đến năm 2045.
Bình Dương nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của địa phương tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, phát triển đô thị, quản trị, quản lý, kinh tế, chính sách, khoa học sức khỏe… để phục vụ triển khai các đề án thành phố thông minh và vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học và công nghệ; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, từng bước hoàn thiện nguồn tài nguyên số phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy, học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đáp ứng yêu cầu học tập, trao đổi thông tin giữa người dạy và người học; tạo điều kiện để cơ sở giáo dục - đào tạo khuyến khích sinh viên, học viên nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua quỹ phát triển khoa học - công nghệ.