Tỉnh Bình Dương đã có chủ trương mở rộng Quốc lộ 13 thêm hai làn xe, cụ thể mở rộng về bên phải, hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương, để tuyến đường đạt quy mô tám làn xe, chiều rộng nền đường đạt 40,5 m.
Giai đoạn I của dự án sẽ mở rộng đối với đoạn quốc lộ 13 từ đoạn giáp TP Hồ Chí Minh đến đường Lê Hồng Phong (thành phố Thuận An giáp với thành phố Thủ Dầu Một) có chiều dài 12,7 km. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, sẽ khởi công vào khoảng ngày 26/4/2022 và tiếp tục triển khai theo hình thức BOT. Chi phí giải phóng mặt bằng sẽ được ngân sách tỉnh Bình Dương chi trả, không tính vào mức đầu tư. Cơ cấu nguồn vốn là 20% vốn doanh nghiệp và 80% vốn vay ngân hàng.
Hầu hết mặt bằng của dự án mở rộng Quốc lộ 13 qua địa bàn thành phố Thuận An là khu vực đô thị phát triển nên tập trung đông dân cư, nên để tránh ùn tắc giao thông, cơ quan chức năng đã phân thành ba đoạn. Cụ thể, đoạn từ nút giao đại lộ Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong dài 4,9 km; đoạn từ cầu Ông Bố đến đại lộ Hữu Nghị dài 2,9 km và đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố dài 4,9 km.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 110 hộ dân và 22 tổ chức trên địa bàn phường Thuận Giao, thành phố Thuận An đều đồng tình và hợp tác với chính quyền nơi đây về việc giải phóng mặt bằng bằng các vận dụng sáng tạo trong công tác dân vận để người dân, doanh nghiệp đồng thuận.
Ông Nguyễn Văn Thay, sinh sống tại địa bàn phường Thuận Giao, thành phố Thuận An chia sẻ, nhà ông phải giải phóng hơn 200 m2 đất, nhưng nhờ hiểu rõ vấn đề của chính quyền và nhận biết lượng xe trên tuyến đường Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) rất đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Do đó, nếu dự án mở rộng sẽ giải tỏa áp lực giao thông mà còn tạo động lực để Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội, chỗ đất còn lại của gia đình ông giá trị kinh tế sẽ tăng cao hơn.
Tuy nhiên, ngoài sự đồng tình, một số luồng ý kiến của người dân trên địa bàn thành phố Thuận An vẫn còn thắc mắc về việc vì sao chính quyền chỉ mở rộng đường về phía bên phải hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương; kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 trên địa bàn tỉnh đã có từ lâu, nhưng sạu này một số chung cư xây dựng phía bên trái đường Quốc lộ 13 hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương lại xây quá sát đường liệu có ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An (Bình Dương) cho biết, trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương mà còn là tuyến đường huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh đi Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Tuyến đường lưu thông huyết mạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.
Đối với những thắc mắc của người dân, ông Tâm giải thích, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) tiến độ mở rộng từ cầu Vĩnh Bình đến đường Lê Hồng Phong trước mắt tỉnh đã giao nhiệm vụ cho địa phương giả tỏa và mở rộng một bên trước do điều kiện và khả năng ngân sách của tỉnh chưa được đầy đủ.
Tỉnh còn làm nhiều công trình trọng điểm khác nên phải chia nguồn lực hợp lý để tạo ra sự phát triển đồng bộ. Sau khi hoàn thiện một bên trước, dựa vào sự phát triển kinh tế xã hội và lưu lượng giao thông ngày càng nhiều tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức làm bên còn lại.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong, đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 là 504 tỷ đồng, đợt 2 là 40 tỷ đồng. Đoạn từ nút giao đại lộ Tự Do đến đường Lê Hồng Phong sẽ khởi công trước, vì vậy sẽ được bàn giao mặt bằng sạch kịp thi công theo kế hoạch dự kiến.
Hiện Ban Quản lý dự án đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ bản vẽ đất đai, tài sản để thông qua phương án bồi thường đợt 3 và điều chỉnh. UBND thành phố Thủ Dầu Một chưa trình lại lần 2 phương án giá đất để có thể giải ngân thêm khoảng 100 tỷ đồng vốn năm 2021.
Đối với đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi. Trước đây Ban Quản lý dự án đã tổ chức họp dân cư trên địa bàn phường Bình Hòa lần 2 để công bố báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đang trình thẩm định giá đất bồi thường và đo đạc kiểm kê tài sản. Giá đất UBND thành phố Thuận An đã trình nhưng chưa được tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt kịp thời trong năm 2021 để có thể giải ngân thêm khoảng 520 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm. Đoạn từ cổng chào Vĩnh Bình đến ngã tư cầu Ông Bố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hiện đang lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự kiến.
Dự án Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú (thành phố Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (thành phố Thủ Dầu Một) dài 12,7 km, được mở rộng với kinh phí 1.400 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ mở rộng về bên phải 2 làn xe lên 64m (nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe).
Quốc lộ 13 dài hơn 140 km nối TP Hồ Chí Minh qua Bình Dương, Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên. Quốc lộ 13 qua địa phận Bình Dương dài khoảng 60 km, xây dựng theo hình thức BOT, đã được đưa vào khai thác từ nhiều năm trước với quy mô sáu làn xe.