Bình Thuận: Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

“Bình Thuận tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” là chủ đề của Tọa đàm nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 26/8.

Vươn lên từ những khó khăn

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Năm 1992, tỉnh Bình Thuận được tách ra từ tỉnh Thuận Hải. Thời điểm đó, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, manh mún; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo trên 25%. Hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… thiếu thốn. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận bắt tay vào xây dựng quê hương với quyết tâm đưa tỉnh thoát nghèo và từng bước vươn lên.

Sau 30 năm phát triển, Bình Thuận đã vươn lên và từng bước rút ngắn sự chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng kinh tế bước đầu được củng cố, tạo tiền đề để phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Những bước phát triển trong thời gian qua, nổi bật là các nhân tố mới như du lịch, khai thác dầu khí ngoài khơi, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao... đã và đang từng bước đưa tỉnh trở thành một cực phát triển mới của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Đến nay, quy mô nền kinh tế có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Năm 2022, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 37% (năm 1992 chiếm 12%); dịch vụ tăng lên 33% (năm 1992 chiếm 25%); nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 29% (năm 1992 chiếm 62%). Tổng sản phẩm nội tỉnh bình quân hàng năm tăng 9%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 49 triệu đồng/năm...

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; mạng lưới trường lớp phủ rộng; mạng lưới y tế cơ sở đến tận xã, phường, thị trấn. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được coi trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Từ một tỉnh khô hạn nhất cả nước, thiếu nước tưới, nhiều diện tích sản xuất bị hoang hóa thì qua nhiều nhiệm kỳ, đến nay, Bình Thuận đã có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện, kết nối liên thông, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tỷ lệ tưới chủ động được nâng từ 3,5% lên 50% diện tích đất canh tác hằng năm.

Bình Thuận từng bước trở thành trung tâm năng lượng điện của quốc gia. Hiện, tỉnh phát triển đa dạng, đầy đủ các loại hình năng lượng điện như: điện gió, thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời… Toàn tỉnh có 48 nhà máy điện được vận hành với sản lượng thiết kế 31,6 tỷ kWh/năm, chiếm 12% tổng sản lượng điện cả nước.

Du lịch Bình Thuận phát triển nhanh, nhất là từ sau sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch quốc gia Mũi Né nói riêng ngày càng nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước. Hiện nay Bình Thuận có 2 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 70 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 594 cơ sở lưu trú du lịch tổng số 17.433 phòng. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt hơn 6,4 triệu lượt khách (gấp hơn 512 lần so với năm 1992). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định, những thành tựu, kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận là to lớn, toàn diện và rất đáng tự hào. Việc nhận định đúng tình hình, đề ra các mục tiêu với khát vọng lớn và tập trung lãnh đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tý bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong 30 năm qua. Trong đó phải kể đến thành tựu nổi bật về phát triển hệ thống thủy lợi, tỉnh đã giải quyết được bài toán “khát nước” kéo dài rất nhiều năm. Nếu không có thủy lợi, không có nước, Bình Thuận không được như ngày hôm nay. Tỉnh đã biến những bất lợi về nắng, gió thành tiềm năng để phát triển, từng bước đi lên. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư ngày càng hoàn thiện, hiện đại, bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, khởi sắc.

Triển vọng phát triển trong tương lai

Chú thích ảnh
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Bình Thuận đang đứng trước nhiều thuận lợi khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm sau. Nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Thuận với những dự án quy mô lớn… tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Bên cạnh thuận lợi về giao thông kết nối giữa các vùng, Bình Thuận nằm tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí địa kinh tế thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, tỉnh đang có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch. Ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm công nghiệp năng lượng; du lịch và nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp; giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và những ngành sử dụng nhiều lao động. Với lợi thế về đất đai, mặt hồ, không gian biển, ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo đang có rất nhiều nguồn lực và động lực để bức phá; hứa hẹn đưa Bình Thuận sớm trở thành một trong những trung tâm năng lượng quan trọng của quốc gia..

Về du lịch, Bình Thuận sẽ quy hoạch lại không gian du lịch ven biển một cách bài bản; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về biển, cảnh quan thiên nhiên, những đặc trưng văn hóa để làm phong phú hơn các loại hình du lịch; chú trọng phát triển các loại hình du lịch mới, đang có sức hấp dẫn đối với du khách như; du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe… Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh đón 8,9 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 23.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10 - 11% GRDP của tỉnh.

Đối với nông nghiệp, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2030, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và có hệ sinh thái phát triển bền vững.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, hiến kế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững dựa trên những tiềm năng hiện có trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Văn Tý, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Bình Thuận nên tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ, điều chỉnh quy hoạch dự trữ khoáng sản, nhất là titan ở một số khu vực nhằm sớm giải quyết vướng mắc chồng lấn giữa các dự án năng lượng tái tạo, dự án du lịch với các khu vực quy hoạch titan. 

Còn theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển tỉnh đó là vấn đề con người, chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, ngoài việc rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ để ngang tầm với nhiệm vụ, tỉnh cần có yêu cầu thêm về đổi mới tư duy trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Làm sao để mỗi cán bộ trong quá trình lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn chiến lược, tư duy toàn cầu và đặc biệt là thích ứng nhanh với sự biến đổi của tình hình.

Một số ý kiến cho rằng, tỉnh Bình Thuận cần đánh giá và có chiến lược phát triển các sản phẩm lợi thế như: thanh long, nước mắm…;  cần có chiến lược đầu tư và phát triển huyện đảo Phú Quý tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Hồng Hiếu (TTXVN)
30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Nhiều khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Nhiều khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Thuận là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 100.000 người, cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN