Theo đó, đối với vùng đỏ: Người dân ở tất cả các vùng không được ra/vào, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định. Tỉnh yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết và phải đảm bảo đầy đủ 2 điều kiện: Một là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ; hai là có các loại giấy chứng nhận/xác nhận việc ra ngoài của người dân đã được cấp có thẩm quyền cấp (bao gồm: Thẻ công chức, viên chức, lao động do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp; giấy xác nhận của địa phương dành cho các cơ sở kinh doanh được phép kinh doanh, phiếu đi chợ, sổ khám bệnh thể hiện lịch hẹn tái khám, giấy mời tiêm vaccine...).
Người dân không đi ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trừ những trường hợp đặc biệt. Hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu bị tạm dừng. Đối với nhà hàng, quán ăn, quán nước: chỉ được bán trực tuyến, giao hàng tận nhà. Tỉnh tổ chức lại chợ truyền thống, chợ dã chiến, siêu thị và khu mua sắm; hạn chế số người vào chợ, siêu thị và khu mua sắm cùng một lúc, chỉ cho người trong phường/xã/thị trấn được đi chợ, siêu thị và khu mua sắm trên địa bàn; cương quyết xử lý các điểm buôn bán tự phát dọc các tuyến đường.
Đối với vùng cam: Người từ vùng cam không được đi đến vùng đỏ, khu vực cách ly y tế (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định); người từ vùng cam đi đến các vùng khác phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có người đến/về từ vùng cam chịu trách nhiệm kiểm tra các điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tại vùng đỏ, vùng cam tổ chức lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 một cách khoa học, chặt chẽ, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Dựa trên số ca mắc COVID-19 mới và tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương để tổ chức thực hiện khoanh vùng cách ly trong phạm vi hẹp nhất, chặt chẽ nhất. Chủ động tổ chức xét nghiệm ở các khu vực, nhóm đối tượng có nguy cơ cao để tầm soát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây; đồng thời, có phương thức xử lý linh hoạt, phù hợp với từng vùng có dịch, trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện “phong tỏa cứng” ở phạm vi hẹp. Thành lập nhiều tổ kiểm soát lưu động thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thông qua các chốt kiểm soát dịch, yêu cầu thực hiện khai báo y tế để cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm theo quy định. Tích cực triển khai thực hiện cách ly F1, phương án thí điểm điều trị F0 tại nhà để giảm áp lực các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị F0 nhẹ và không có triệu chứng. Chỉ giữ lại một số cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị F0 nhẹ và không có triệu chứng trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly và điều trị tại nhà.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng và lan rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên chưa cao và trẻ em từ 17 tuổi trở xuống chưa được tiêm vaccine.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, tính từ 27/4/2021 đến 7 giờ ngày 21/11, toàn tỉnh ghi nhận 11.767 ca mắc COVID-19. Trong đó thành phố Phan Thiết có số ca mắc nhiều nhất với 5.402 trường hợp. Dịch bệnh tại huyện đảo Phú Quý đang diễn biến phức tạp, sau khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 11/11/2021, đến sáng ngày 21/11 Phú Quý có tổng cộng 170 trường hợp mắc COVID-19.
Dựa vào tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch COVID-19, Bình Thuận hiện được phân loại dịch cấp độ 3 (vùng cam). Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 4 vùng cấp độ 4 (vùng đỏ) là thành phố Phan Thiết và các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Phú Quý.