Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều xã trên địa bàn huyện liên tiếp ghi nhận ca mắc mới, đặc biệt tại các xã Na Tông, Mường Nhà, Na Ư, chính quyền địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cấp độ 4. Có 4 bản gồm Gia Phú A, Gia Phú B, Sơn Tống và Na Phay 1 phải thiết lập vùng cách ly tại bản theo phương châm “bản cách ly bản”, “nhà cách ly nhà”. Những bản, hộ gia đình thuộc diện cách ly không có đủ nhân lực để thu hoạch lúa nương theo đúng khung thời vụ.
Trước thực tế đó, thực hiện công tác biên phòng với phương châm “3 bám, 4 cùng”, những ngày qua, Đồn Biên phòng Mường Nhà (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ ngày công lao động, giúp người dân trong khu vực cách ly, gia đình đang thực hiện cách ly thu hoạch lúa nương. Qua đó, góp phần gắn kết tình đoàn kết quân dân trên khu vực biên giới thêm bền chặt; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân thêm vững chắc; tạo lập niềm tin, giúp người dân tại các cộng đồng bản làng yên tâm thực hiện cách ly phòng, chống dịch.
Trung tá Nguyễn Hồng Quân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Nhà cho biết, Đồn Biên phòng Mường Nhà có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý đoạn biên giới dài hơn 23km trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Địa bàn quản lý gồm 2 xã Mường Nhà, Na Tông (huyện Điện Biên) với tổng số 23 bản (trong đó xã Mường Nhà có 12 bản, xã Na Tông có 11 bản). Trước những khó khăn do thiếu nhân lực tham gia thu hoạch lúa nương của người dân tại các bản đang thiết lập vùng cách ly tại chỗ, đơn vị đã phân công, cử 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng Công an, dân quân, đoàn viên, thanh niên của 2 xã cùng lực lượng Trung đoàn 741 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên) tham gia gặt lúa giúp dân từ ngày 8/11. Diện tích lúa nương của người dân tại hai bản Gia Phú A (xã Na Tông), bản Pu Lau (xã Mường Nhà) với hàng chục héc-ta được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và lực lượng tham gia gặt đầu tiên, tiếp đến là các bản còn lại của các xã vùng biên.
Với phương châm “giúp nhà nào, gọn nhà đó”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà và lực lượng phối hợp đã huy động lực lượng để hoàn tất việc gặt, thu gom lúa về địa điểm tập kết, đập lúa, đóng bao tải, vận chuyển xuống núi, chở về bản làng cho bà con trong thời gian nhanh nhất.
Đặc thù nương rẫy trên khu vực núi cao, có nơi đạt độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, đường lên nương nhỏ, dốc, men theo lưng, triền núi nên không thể đưa máy gặt lên được. Do vậy các công đoạn gặt, gom, tập kết và vận chuyển lúa xuống vùng “yên ngựa” thấp hơn, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và lực lượng tham gia phải thực hiện thủ công, dùng sức người là chính và phải tranh thủ thời gian lao động từ sáng sớm đến chiều muộn. Để tạo khoảng trống dễ dàng cho việc di chuyển, thu gom lúa và hỗ trợ nhau trong gặt lúa được nhanh, các chiến sĩ Biên phòng và lực lượng tham gia đã chia theo nhóm, khi gặt lúa thì xếp hàng ngang, gặt lúa theo cách thức “cuốn chiếu”, di chuyển theo đường đồng mức của núi.
Trung tá Nguyễn Hồng Quân chia sẻ, việc tham gia gặt, thu gom của đơn vị và các lực lượng cùng tham gia gặp nhiều khó khăn, do địa hình đồi núi dốc, buổi sáng sương đêm chưa tan nên mặt đường rất ẩm ướt, trơn trượt; buổi trưa thì trên núi cao nắng rất gắt, ai cũng háo nước khi di chuyển lúa nương giữa cái nắng gay gắt trên đỉnh núi cao. Việc gặt, gom lúa từ nương ra bãi tập kết phải ôm từng bó lúa, đi hàng trăm mét. Từ địa điểm gom lúa trên đỉnh, lưng chừng núi, muốn vận chuyển lúa xuống khu vực thấp hơn để thuận lợi hơn cho việc trông coi, bảo quản mọi người phải chất nhiều bó lúa lên những tấm bạt rồi dùng sức người kéo đi, di chuyển men theo những “sống núi”. Mỗi lần kéo cũng được hơn chục bó lúa. Vào cuối buổi chiều, trên núi cao, gió thổi mạnh và thời tiết đột ngột trở lạnh, nhiệt độ giảm xuống rất sâu. Trong quá trình gặt phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, đeo khẩu trang. Tuy nhiên, với tinh thần không quản ngại khó khăn, vất vả, các chiến sĩ Biên phòng và các lực lượng tham gia đều hoàn thành công việc rất hiệu quả. Tiến độ công việc vượt mức chỉ tiêu kế hoạch mà đơn vị đề ra.
Đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 tuần tham gia hỗ trợ người dân gặt lúa, hàng chục héc-ta lúa nương của đồng bào ở hai bản Gia Phú A (Xã Na Tông), bản Pu Lau (xã Mường Nhà) đã được thu hoạch xong. Đặc biệt, nương rẫy của bà con thuộc “vùng đỏ” (vùng cách ly) đã được gặt xong, hoàn tất việc đóng lúa vào bao tải, vận chuyển từ núi cao xuống thấp và chở về bản. Với tinh thần khẩn trương, dồn sức phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng tham gia, việc gặt lúa tại các bản trên cũng sắp hoàn tất.
Theo Trung tá Nguyễn Hồng Quân, thực hiện công tác biên phòng với phương châm “3 bám, 4 cùng”, trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc giúp dân gặt lúa nương đảm bảo hoàn tất đúng thời gian, trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19, với vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu phòng, chống dịch, đơn vị đã phân công, cắt cử cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát, siết chặt quản lý đường mòn khu vực biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn.
Theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng Công an, quân sự, y tế xuống tận cơ sở, có mặt tại các bàn làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa để truy vết các trường hợp F0, F1, F2; thực hiện công tác hậu cần, tiếp nhận và vận chuyển nhu yếu phẩm các tổ chức, đơn vị, đoàn thể hỗ trợ đến các khu cách ly tại chỗ trên địa bàn hai xã Na Tông, Mường Nhà. Tại trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 được thiết lập ở bản Hát Tao (xã Na Tông) trên tuyến đường huyết mạch Núa Ngam - Na Tông - Mường Nhà (huyện Điện Biên), các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà cũng đang phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các lực lượng Công an, quân sự, y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh càng đẹp hơn trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Đồn Biên phòng Mường Nhà và các đơn vị đứng chân trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thực sự trở thành điểm tựa vững vàng cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới; mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là nguồn cổ vũ, động viên bà con thêm chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống ấm no, bản làng yên vui, đổi mới và phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.