Vì vậy, yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan bám sát, đúng kịch bản; diễn tập một cách tự nhiên, phù hợp thực tế. Mục tiêu là tổng kết được những kinh nghiệm, kĩ năng sau cuộc diễn tập. Trong quá trình diễn tập cần lưu ý đảm bảo đầy đủ các thiết bị kĩ thuật cũng như vấn đề về an toàn thông tin và an toàn lao động.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Ngô Anh Tín, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 152 nguồn phát xạ, trong đó có 32 nguồn phát xạ lớn, các nguồn phát xạ chủ yếu dùng cho các mục đích về y tế và nhiệt điện. Đến nay thành phố chưa xảy ra mất nguồn phát xạ nào, nhưng ở một số địa phương khác tình huống này đã xảy ra. Vì vậy, việc thực hiện diễn tập là vô cùng quan trọng để có thể chủ động ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hào Quang, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cần Thơ là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tháng nào cũng có các cuộc vận chuyển nguồn bức xạ đi ngang qua thành phố. Đây là một rủi ro mà thành phố cần dự liệu và phòng ngừa.
Nhìn lại các sự kiện thảm họa hạt nhân trong lịch sử có thể thấy bức xạ hạt nhân có tác động lớn đến sức khỏe, tính mạng con người. Đặc biệt, vật liệu bức xạ không màu, không mùi, không vị, không nhìn thấy và không thể phát hiện nếu không có thiết bị chuyên dụng để ghi nhận.
Buổi diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân cấp thành phố năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra tại quận Bình Thủy (Cần Thơ) vào ngày 18/11. Kịch bản giả định như sau: Phụ trách kho của một công ty nhiệt điện trong lúc đi kiểm tra phát hiện khu vực kho để nguồn phóng xạ bị mở khóa, cửa bị mở và khi tìm kiếm trong kho thì không thấy nguồn phóng xạ. Sau khi tìm kiếm 1 ngày trong phạm vi công ty vẫn không tìm thấy nguồn phóng xạ, công ty xác định có khả năng nguồn đã bị lấy ra ngoài cơ sở. Tình huống vượt quá khả năng ứng phó sự cố của công ty và cần phải khởi động Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp thành phố.