Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được địa phương triển khai kịp thời. Cụ thể, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi hoạt động thường xuyên của cơ quan luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được chú trọng; một số nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở đó, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhóm giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thành phố đã có kế hoạch hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng năm, từng lĩnh vực được giao phụ trách. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng yếu như: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công. Thành phố đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP; rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Ngoài ra, Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thành phố tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Đồng thời, các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Thông tin từ Sở Tài chính, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có khoảng 1.504 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, vốn bố trí khoảng 16.466 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang phát triển đô thị, xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới, tăng đáng kể quy mô và sức cạnh tranh nền kinh tế (GRDP năm 2020 ước gấp 1,27 lần năm 2016); chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Năm 2020 GRDP/người đạt 94,45 triệu đồng, tương đương 4.019 USD, cao hơn bình quân cả nước khoảng 800-1.000 USD/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16% theo chuẩn đa chiều của nhiệm kỳ 2016-2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ khóa XV đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy những thành tích mà Cần Thơ đã đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua. Trong đó, chú trọng hai nhóm giải pháp: tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính.
Ông Đào Chí Nghĩa cho biết, những kiến nghị của thành phố Cần Thơ sẽ được đoàn giám sát tập hợp và đề xuất lên Trung ương. Theo đó, Cần thơ kiến nghị về các nội dung: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách (định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, các quy định còn chồng chéo giữa các luật; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý đất đai, trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công…); cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp (hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới); quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý đất đai (kiến nghị sửa Luật Đất đai nhằm bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, đảm bảo công khai, minh bạch, sát thị trường…).