Với lượng rác thải dôi dư 200 tấn/ngày đêm không được xử lý do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB (gọi tắt Công ty EB, ở xã Trường Xuân, Thới Lai) giảm khung giờ thu gom rác để bảo trì, bảo dưỡng dẫn đến ùn ứ rác, gây phản ứng trong người dân. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, việc Công ty EB bảo trì, bảo dưỡng thời gian này đúng với hợp đồng đã ký với UBND thành phố.
Việc giảm khung giờ thu gom rác này đã gây khó khăn cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Vì vậy, để giải quyết khó khăn trong thời gian Công ty EB bảo trì, bảo dưỡng (khoảng 35 - 45 ngày), trước tiên phải xử lý theo hướng đưa rác tồn đọng, dôi dư về bãi rác Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Minh Thông ở huyện Cờ Đỏ (gọi tắt Công ty Minh Thông) để chứa và xử lý đốt với công suất khoảng 150 tấn/ngày, đêm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành tìm kiếm công ty xử lý rác lưu động để giải quyết khoảng 50 tấn rác còn lại.
Đối với khó khăn ở bãi rác của Công ty Minh Thông là tải trọng cầu đến nhà máy không đáp ứng tải trọng xe rác, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tìm hướng tính toán gia cố cây cầu để xe thuận tiện chở rác đến chứa tại bãi Công ty Minh Thông (khoảng 10.000 tấn rác). Với lượng rác được đưa về bãi, đề nghị Công ty Minh Thông tạm thời ứng vốn mua các tấm bạt chứa rác, giảm ô nhiễm môi trường.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ cũng đề nghị chủ tịch các quân, huyện cần tuyên truyền, thông báo cho người dân tập kết rác tại điểm thu gom đúng khung giờ để công nhân thực hiện thu gom rác thuận tiện; lắp camera ở nơi công cộng, giám sát người dân vứt rác bừa bãi để có chế tài xử lý, tạo thói quen cho người dân thực hiện bỏ rác đúng quy định.
Ngoài ra, các địa phương phải tính toán quy hoạch, tham mưu, đề xuất xây dựng các bãi tập kết rác với thiết kế xây dựng đảm bảo không ô nhiễm môi trường, để người dân không phản ứng; đối với các quận trung tâm (nơi có đông du khách tới) phải quy hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng bằng cách đấu thầu khai thác.
Về lâu dài, ông Trần Việt Trường đề nghị các công ty thu gom rác phải đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất, xe chở rác đi đường dài phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Các sở, ngành, địa phường cùng phối hợp xử lý chặt chẽ các công ty vi phạm hợp đồng thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Cần Thơ thải ra khoảng 700 tấn/ngày, vượt quá khả năng xử lý rác thải của địa phương khoảng 70 tấn/ngày đêm, tập trung nhiều nhất ở quận Ninh Kiều. Riêng quận Ninh Kiều, tính từ ngày 15/2 đến nay, lượng rác còn tồn dư trên địa bàn khoảng 1.700 tấn.
Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ cho biết, theo hợp đồng số 06/2017, ngày 22/6/2017 về dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì định kỳ Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Công ty EB) dừng vận hành từ 30 - 45 ngày để kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng. Theo đó, kế hoạch của nhà máy xử lý khoảng 400 tấn/ngày trong khung giờ từ 5 đến 13 giờ hàng ngày (giảm trung bình từ 590 tấn/ngày xuống 400 tấn/ngày), dẫn đến lượng rác dôi dư khoảng 200 tấn/ngày.
Mặt khác, theo các báo cáo từ các quận, huyện trước đây Nhà máy xử lý chất thải rắn (Công ty EB) tiếp nhận rác thải từ 5 đến 24 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15/2/2023, nhà máy xử lý rác thải này chỉ tiếp nhận rác từ 5 đến 13 giờ hàng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng dôi dư, tồn đọng rác thải tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác tại các quận, huyện; đặc biệt là điểm tập kết rác thải tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều đã tạo thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.