Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề xuất, Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình sạt lở là 40 tỷ đồng; công trình cơ sở hạ tầng giao thông 52 tỷ đồng; thực hiện các dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối là 830 tỷ đồng; khắc phục các công trình kiến trúc công cộng, nhà ở bị thiệt hại do lốc, sạt lở đất, đá 24 tỷ đồng.
Tại Cao Bằng, diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp trong 8 tháng của năm 2024. Toàn tỉnh xảy ra 16 đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thiên tai làm 8 người bị thương vong; 11.620 nhà ở bị ảnh hưởng, hư hỏng do lốc, mưa đá, sạt lở đất; gần 4.450 ha điện tích nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại; 2.260 con gia súc, vật nuôi bị chết...
Ngoài ra, tuyến Đường Hồ Chí Minh, các Quốc lộ: QL34, QL34B, QL4A, QL4C, các tuyến đường tỉnh bị sạt lở với khối lượng hàng trăm nghìn khối đất, đá; 23 công trình mương thủy lợi bị đổ, gãy, sạt lở; 6 cột điện trung thế, hạ thế bị đổ, nghiêng; 43 điểm trường, 4 cơ sở Trạm y tế xã, 42 công trình văn hóa, 6 công trình trụ sở cơ quan bị bị tốc mái, sạt lở đất, đá... Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 123 tỷ đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thiệt hại chủ động sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách địa phương, huy động từ các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ khắc phục sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ dân sinh khắc phục tái thiết sản xuất cho nhân dân tại địa phương với tổng số tiền trên 326 tỷ đồng...