Theo ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, đầu tháng 7, tình hình dịch tả lợn châu phi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng.
Đối phó với tình hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã khẩn trương thành lập các đoàn công tác đến cơ sở kiểm tra tình hình, đôn đốc cơ sở khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch; cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở nằm vùng trực tiếp chỉ huy cơ sở tập trung thực hiện các biện pháp dập dịch; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hỗ trợ kinh phí, hóa chất phục vụ dập dịch.
Đối với các huyện đã công bố dịch thì triển khai ngay các biện pháp tiêu hủy lợn ốm, phun hóa chất tiêu trùng khử độc 3 lần trong tuần đầu tiên, 2 lần trong tuần tiếp theo cho đến khi hết dịch; đồng thời mua vôi bột cấp cho dân để rắc quanh chuồng trại.
Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các lực lượng chức năng lập các chốt trạm kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào khu vực có dịch. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm trước, năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu cần có sự tham gia, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương, tránh tâm lý cho rằng chống dịch là việc của ngành nông nghiệp.
Theo ông Phong, do khẩn trương kịp thời triển khai các giải pháp quyết liệt, đến nay, tại các điểm nóng dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên còn quá sớm để nói rằng đã kiểm soát được dịch, do đó, ngành yêu cầu các địa phương không được chủ quan mất cảnh giác.
Từ khi tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (tháng 4/2020) trên địa bàn tỉnh, đến nay, dịch đã lan rộng ra 159 thôn xóm, thuộc 62 xã của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Tính đến ngày 26/7, cả tỉnh đã 2.530 con lợn phải tiêu hủy, tổng số trên 129.000 kg.
Các địa phương xuất hiện nhiều là Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An, Thành phố Cao Bằng… Một số ổ dịch tái phát trở lại sau khi đã qua 30 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Tính đến ngày 26/7/2020, toàn tỉnh có 08 xã qua 30 ngày không có ca bệnh mới phát sinh.