Với trên 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, thành phố Sơn La có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây lương thực ngắn ngày, thu nhập bấp bênh.
Từ năm 1990, người dân đã đưa cà phê vào trồng, khi đó, thành phố có 35 ha. Bước đầu cho thấy, cây cà phê phù hợp với điều kiện tự nhiên, so với cây trồng ngắn ngày, cà phê mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, chi phí đầu tư, công chăm sóc ít. Từ đó, cây cà phê được người dân trồng trên khắp các nương, đồi.
Đến nay, thành phố đã có gần 8.000 nông hộ trên địa bàn thâm canh cà phê. Cà phê có mặt khắp các triền đồi, thung lũng, xen trong vườn cây ăn quả. Cà phê đã trở thành cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và các doanh nghiệp chế biến, sản xuất cà phê trên địa bàn.
Ông Lèo Văn Toan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết, từ năm 1993, cây cà phê được đưa vào trồng trên địa bàn xã. Trải qua gần 30 năm phát triển, đến nay, diện tích cà phê toàn xã đạt hơn 1.300 ha, chiếm trên 60% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, cây cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Đỗ Văn Trụ cho biết, thành phố Sơn La là một trong ba địa phương có diện tích trồng cây cà phê lớn nhất của tỉnh với gần 5.000 ha. Giá trị sản xuất quả tươi hàng năm đạt từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng, chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất các loại cây trồng chính; giá trị sản xuất bình quân đạt từ 150-200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, từ thâm canh cà phê đã giúp nông dân thành phố đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Gần 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao Sơn La chia sẻ, với tình yêu dành cho những hạt cà phê thơm ngon được sản xuất tại Sơn La, năm 2017, ông đã thành lập Hợp tác xã cà phê Bích Thao với 11 thành viên tham gia, nhằm liên kết những hộ sản xuất cà phê trên địa bàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biên, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện diện tích sản xuất của Hợp tác xã là 150 ha; trong đó, có 40 ha đã cho thu hoạch, sản lượng cà phê quả tương đạt trên 1.000 tấn. Hiện nay, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường các sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Đồng thời, mỗi năm Hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu từ 2.000 đến 4.000 tấn cà phê nhân...
Năm 2019, cà phê Bích Thao đã được công nhận là cà phê đặc sản. Năm 2020, cà phê Bích Thao tiếp tục vinh dự được vào top 10 thương hiệu cà phê xuất sắc nhất tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam và là sản phẩm cà phê đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia.
Cà phê của Sơn La có mùi thơm như hoa quả, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đem lại giá trị kinh tế cao và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ cà phê thế giới.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La Dương Gia Định thông tin, tính đến năm 2021, diện tích trồng cà phê của Sơn La là 17.997 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch là 16.083 ha, năng suất 18,14 tạ/ha cà phê nhân và sản lượng đạt 29.180 tấn cà phê nhân. Diện tích trồng cà phê chủ yếu tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và thành phố Sơn La. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý năm 2017.
Hiện Sơn La đã hình thành các nhà máy chế biến cà phê áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cà phê; ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện cơ cấu lại sản xuất cây trồng tại địa phương.