Tại đây, những người làm ra nông sản, sản phẩm chế biến họp lại với nhau, giới thiệu trực tiếp tới người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của những người trẻ cùng theo đuổi con đường sản xuất bền vững, hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Phiên "Chợ tỉnh" lần thứ 5 được Ban Tổ chức chợ họp tại Phố Cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình với 15 gian hàng thu hút người dân và du khách đến tìm hiểu, khám phá nét đẹp mang đậm dấu ấn của Tết xưa và mua những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp địa phương và các tỉnh lân cận. Ban Tổ chức trang trí không gian của chợ mang đậm nét hoài cổ cùng với những sạp hàng bằng tre. Người bán hàng mặc áo bà ba, áo nâu sòng, áo dài truyền thống mang đến cho người tham gia phiên chợ một trải nghiệm thú vị. Xen giữa những gian hàng còn có một số hoạt động văn hóa như: gian thư pháp, trò chơi dân gian... góp phần làm cho không khí thêm sôi động.
Chị Nguyễn Thị Phương (thành phố Ninh Bình) vui vẻ cho biết, chị rất vui và thấy thú vị khi đến tham quan, mua sắm tại phiên "Chợ Tỉnh" ở Phố cổ Hoa Lư. Thời đại công nghệ 4.0, chị chỉ cần đặt hàng là có ngay sản phẩm được mang đến tận nhà. Tuy nhiên, tham gia phiên chợ, chị được tận tay lựa chọn những sản phẩm gia đình có nhu cầu; đồng thời biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. "Chợ tỉnh" giúp người mua cảm nhận được không khí của những phiên chợ Tết xưa với những hoạt động mang giá trị văn hóa cội nguồn của người dân Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, nếu các phiên chợ thông thường chú trọng yếu tố thương mại, "Chợ tỉnh" giống như một buổi triển lãm sinh động về những sản phẩm tâm huyết, thể hiện niềm đam mê, nỗ lực theo đuổi sản xuất theo hướng bền vững, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của tuổi trẻ. Những doanh nghiệp, cơ sở muốn tham gia phiên chợ phải chứng minh được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng, độc đáo nhất của phiên chợ này. Do đó, khách hàng đến đây sẽ mua được những sản phẩm từ chính đơn vị sản xuất và được chia sẻ về quy trình, những giá trị văn hóa chứa đựng trong mỗi sản phẩm.
Anh Hoàng Trung Đoàn, chủ cơ sở sản xuất Nấm đông trùng hạ thảo Trường Sinh (ở thành phố Ninh Bình) cho biết, là đơn vị sản xuất nấm đông trùng hạ thảo mới, khách hàng biết đến cơ sở còn khiêm tốn. Được tham gia bán hàng tại các phiên chợ là cơ hội đối với cơ sở của anh. Bởi vì tại đây, anh có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm, công dụng của nấm đông trùng hạ thảo cho khách hàng. Bên cạnh đó, những người sản xuất có thể được gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh. Qua đó, du khách gần xa được giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Theo chị Đỗ Quyên, Trưởng Ban Tổ chức mô hình "Chợ tỉnh", bắt đầu từ tháng 10, đơn vị tổ chức phiên chợ đầu tiên tại Phố cổ Hoa Lư với tên gọi "Chợ tỉnh - chợ xưa nếp cũ" mong muốn tạo ra một sân chơi để những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến khách hàng. Ban Tổ chức lựa chọn nơi tổ chức là các điểm du lịch tại địa phương và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi. Bên cạnh đó, đề cao tinh thần "xanh - sạch - đẹp", khuyến khích người mua hàng và các gian hàng hạn chế sử dụng túi ni-lông, xả rác ra môi trường. Tại đây, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia giới thiệu các sản phẩm như: nấm đông trùng hạ thảo, các sản phẩm cói Kim Sơn, các đặc sản của Ninh Bình (như cơm cháy, bánh đúc...).
Với giá trị thiết thực, sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng không kém phần độc đáo, mang bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc và ý nghĩa sâu sắc, từ phiên chợ đầu tiên được tổ chức từ tháng 10/2022, đến nay, chợ đã bước sang phiên thứ 5 với nhiều gian hàng tham gia. Các đơn vị sản xuất không giới hạn trong tỉnh mà còn ở một số tỉnh khác như: Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...