Các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá xuất hiện trên diện rộng gây tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, ngành nông nghiệp, các địa phương đã hướng dẫn người dân chủ động triển khai biện pháp chống đói rét để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Ngô Xuân Chinh cho biết, hiện địa phương có gần 106.000 con gia súc; trong đó có trên 43.500 con trâu, bò. Để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi tập trung vào các nội dung như: Hướng dẫn mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, bảo quản, dự trữ, chế biến thức ăn chăn nuôi; gia cố chuồng trại chăn nuôi, khu vực nuôi chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như bạt che, rơm, rạ, ni lông…. để kịp thời ứng phó khi có các đợt rét đậm, rét hại xảy ra.
Chị Lò Thị Phương, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết, được cán bộ khuyến nông và trưởng bản đến nhà trực tiếp hướng dẫn biện pháp chăm sóc cho gia súc trong thời tiết giá rét như: gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm; tích trữ thức ăn khô để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc; bổ sung thức ăn tinh, tăng cường vệ sinh chuồng trại tránh dịch bệnh cho gia súc. Hiện gia đình tôi cũng đã căng bạt che chắn gió lùa và dọn vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ nhằm đảm bảo cho gia súc được giữ ấm vào mùa Đông.
Tỉnh Điện Biên hiện có tổng đàn gia súc (trâu, bò và dê) là 306.893 con; trong đó có gần 242.000 con trâu, bò. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cũng đã có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường triển khai thực hiện biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi và thủy sản vụ Đông Xuân 2024-2025.
Đồng thời, đề nghị các địa phương trên địa bàn chủ động bố trí nhân lực, kinh phí, vật tư triển khai đồng bộ, hiệu quả biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản; khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vaccine để tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi; triển khai tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Thành lập các đoàn kiểm tra đến địa bàn trọng điểm đôn đốc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thuỷ sản; giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền cấp xã và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với đoàn thể chính trị xã hội huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn hướng dẫn hộ gia đình áp dụng biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi, thuỷ sản nhằm hạn chế mức thấp nhất về thiệt hại.