Chuyển đổi sản xuất trên đất thuần nông

Trước thực trạng độc canh cây lúa thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ nông dân ở Tiền Giang hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, tích cực nghiên cứu tìm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Thiệp cho đàn cá Koi bố mẹ ăn. 

Một trong những điển hình thành công là ông Võ Văn Thiệp, sinh năm 1965, ngụ tại ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Ông Thiệp chia sẻ, gia đình chỉ có 5.000m2 đất canh tác. Nhà lại đông miệng ăn. Những năm trước, trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ rất vất vả nhưng thu nhập bấp bênh, thường xuyên đối mặt với điệp khúc “trúng mùa, mất giá”, nông dân thua thiệt. Nhận thấy không thể tiếp tục tập trung vào cây lúa, ông Võ Văn Thiệp nghiên cứu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo định hướng của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Theo ông Võ Văn Thiệp, qua tìm hiểu, tại địa phương hiện có nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả như: VAC, trồng rau màu, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản chuyên canh… giúp nhiều nông dân tạo dựng được cơ nghiệp vững vàng. Năm 2021, ông chọn chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang nuôi cá cảnh - giống cá chép Koi có nguồn gốc từ Nhật Bản bởi kỹ thuật không quá phức tạp, phù hợp với trình độ canh tác và thực tế sản xuất của gia đình.

Để đáp ứng mục tiêu và mô hình sản xuất mới, ông Thiệp đã thuê nhân công cải tạo ruộng thành ba ao nuôi cá cảnh; xung quanh gia cố bờ vững chãi phục vụ sản xuất lâu dài. Ông đầu tư vốn mua cá bố mẹ về thả nuôi, cho sinh sản, nhân giống cung ứng cho nhu cầu thị trường nuôi cá cảnh trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ các kỹ thuật này đều được ông tìm hiểu, học tập và lĩnh hội được qua các kênh thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông kết hợp với kinh nghiệm của những nông dân đi trước.

Kiên trì, chịu khó học tập và nắm bắt tốt kỹ thuật, ông đã thành công với mô hình sản xuất mới này. Theo ông Võ Văn Thiệp, trung bình mỗi năm có hai vụ sản xuất cá chép Koi cảnh. Chu kỳ thời gian mất khoảng 4 tháng. Hiện nay, ước tính dưới ba ao nhà ông Võ Văn Thiệp có tổng đàn khoảng 100 con cá chép Koi bố mẹ. Từ đàn cá bố mẹ này, ông sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 1 tấn cá/năm. Kích cỡ xuất ao khoảng từ 40 đến 50 con/kg. Giá bán dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Thiệp thu lãi ròng khoảng 100 triệu đồng/năm từ mô hình này, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa độc canh bấp bênh trước đây.

Sau 10 năm gắn bó với mô hình nuôi cá chép Koi cảnh, ông Võ Văn Thiệp đã vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Từ thực tế, ông Thiệp đánh giá mô hình nuôi cá chép Koi cảnh phù hợp với trình độ và thực tiễn canh tác của nông dân địa phương, nhất là những hộ đất hẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, ông Thiệp cũng là tấm gương chung sức xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, hiện đại trên quê hương Mỹ Thành Nam. Ông hiến gần 200m2 đất để địa phương làm tuyến đường ven kênh Cây Trâm. Theo ông Thiệp, đóng góp phát triển giao thông nông thôn cũng chính là mở ra cơ hội giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa được thuận lợi, nông dân cũng được hưởng lợi.

Đánh giá cao sự nhạy bén trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả của hội viên nông dân Võ Văn Thiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Hát cho biết, phong trào chuyển đổi sản xuất thông qua các điển hình nông dân giỏi như ông Thiệp đang được nhân rộng tại xã Mỹ Thành Nam. Hiện nay, phong trào nuôi cá cảnh nói chung, cá chép Koi nói riêng không chỉ ở Mỹ Thành Nam mà còn phát triển sang các địa bàn lân cận như: Mỹ Hội (Cái Bè), An Cư (Cái Bè), Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy)… Đây cũng là nhân tố giúp Mỹ Thành Nam vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, hoàn thành 100% tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; trong đó có tiêu chí giảm nghèo nông thôn và ra mắt xã nông thôn mới thành công trong năm 2021.

Minh Trí (TTXVN)
Trà Vinh hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất
Trà Vinh hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất

Hàng nghìn hộ nông dân ở vùng mía nguyên liệu thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vừa được tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí để chuyển đổi đất trồng mía sang sản xuất cây trồng vật nuôi khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN