Theo ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cù lao Dung, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương thành lập tổ tuyên truyền để các hộ dân có bờ bao tích cực gia cố các điểm đê bao, bờ kè quanh nhà; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân. Các địa phương củng cố đội xung kích, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; khi có sự việc sẵn sàng hỗ trợ, ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại trước tác động của triều cường.
Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù lao Dung Nguyễn Văn Đắc, với đặc thù là huyện đảo cù lao, có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên việc gia cố các bờ câu rất khó và đòi hỏi nhiều kinh phí do bờ câu là các đoạn sạt lở giáp sông được đắp và gia cố lại thường có chiều dài từ 20-50 mét, có chức năng ngăn nước từ kênh rạch tràn và tác động lên thân đê. Tuy nhiên, đây lại là những khu vực thường xuyên bị hư hại nhiều nhất do bờ câu thường mỏng, chân nền yếu nên luôn dễ bị tràn, bị vỡ nhiều nhất khi có triều cường lũ dâng; bờ câu bị vỡ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, đất sản xuất của người dân.
Do vậy, huyện Cù lao Dung đang triển khai, thi công các công trình phòng chống triều cường: công trình bờ câu đê Tả hữu; công trình chống sạt lở đê bao Tả hữu và công trình đê Tả hữu; 14 công trình phòng chống triều cường; công trình đê biển; đê sông... Trong số đó, công trình bờ câu đê Tả hữu có tổng số 102 bờ câu, hiện đang tổ chức thi công 96 bờ câu nhưng một số bờ câu bị ảnh hưởng triều cường và cần phải gia cố thêm.
Theo thống kê của UBND huyện Cù lao Dung, đợt triều cường xảy ra từ ngày 17 - 21/10 vừa qua đã làm 81 đoạn bờ câu, đê bao, bờ bao và tuyến lộ giao thông bị vỡ, sạt lở với tổng chiều dài 339 mét; có 99 đoạn bị tràn với tổng chiều dài 14.754 mét. Triều cường còn gây ngập hơn 450 ha mía, 74 ha rau màu các loại, hơn 77 ha trồng cây ăn trái, ảnh hưởng hơn 24 ha nuôi tôm, cá và ngập 298 căn nhà.
Theo ông Lê Minh Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù lao Dung, Văn phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với địa phương khảo sát và lập danh mục công trình xung yếu, giao các đơn vị thi công hoàn thành các công trình xung yếu trước đợt triều cường. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường gia cố các bờ bao, cống… trước các đợt triều cường.
Về lâu dài, UBND huyện Cù lao Dung kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng sớm lập dự án đầu tư nâng cấp đê bao Tả hữu huyện Cù lao Dung để đảm bảo các đợt triều cường dâng cao trong những năm tới; sớm lập dự án đầu tư đê bao sông trên địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1, bố trí dự án vào danh mục trung hạn 2021-2025 để đầu tư phòng chống triều cường. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư các công trình xung yếu trên địa bàn huyện.