Cục Thuế tỉnh Điện Biên đối thoại với đơn vị kinh doanh vận tải về mức thu thuế nhà xe

Liên quan đến việc hàng chục xe khách ở tỉnh Điện Biên đồng loạt tạm dừng hoạt động vì bức xúc với mức thu thuế theo Quyết định số 7/QĐ-CTDBI của Cục Thuế tỉnh Điện Biên về việc ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm và doanh thu đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn, chiều 26/2, Cục Thuế tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với các đơn vị vận tải hành khách về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ.

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị. 

Tại buổi đối thoại, đại diện 8 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách lớn trên địa bàn, hàng chục chủ nhà xe khách cùng lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô tỉnh Điện Biên đã đồng loạt nêu ý kiến về những bất cập của Quyết định số 7 mà Cục Thuế tỉnh Điện Biên ban hành về việc ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm và doanh thu đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô khi áp dụng phương pháp trực tiếp trên địa bàn.

Cụ thể, theo Quyết định số 7 của Cục Thuế tỉnh Điện Biên có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 áp dụng phương pháp trực tiếp trên địa bàn tỉnh Điện Biên hệ số sử dụng xe cao cấp, xe giường nằm các tuyến ở mức 0,5.

Đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, việc Cục Thuế tỉnh Điện Biên đưa ra phương pháp thu trực tiếp, ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm, đưa ra mức thuế khoán cho các nhà xe ở mức 50% của số giường trên là chưa hợp lý. Bởi nhiều nhà xe ở Điện Biên chạy tuyến Hà Nội có cùng giá vé với xe khách Sơn La chạy tuyến Hà Nội nhưng luôn trong tình trạng không đủ khách. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La khác nhiều với Điện Biên nên việc sử dụng hệ số khảo sát của Sơn La để áp dụng tại Điện Biên là không phù hợp.

Ngoài ra, theo Quyết định số 7 thì hệ số sử dụng giao khoán đối với xe cao cấp, xe giường nằm tất cả các tuyến đang ở mức 0,5 là đang rất cao, chưa phù hợp với tình hình phát triển của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Điện Biên sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hệ số này được cho là chưa căn cứ thực tế vào các chi phí khấu hao về tài sản, con người, lệ phí bến bãi, vận tải, các khoản nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, nhà xe so với phương pháp khoán khấu trừ như trước đây. Do đó, nếu giữ nguyên mức thuế này cộng với các chi phí phát sinh thì các nhà xe sẽ không thể hoạt động được.

Chú thích ảnh
Ông Lê Đình Dũng, chủ nhà xe Lê Dũng phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Lê Đình Dũng, nhà xe Lê Dũng, thuộc Công ty Xuân Long cho rằng, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhà xe bắt buộc phải đổi mới phương tiện sau khoảng 2 năm không thể di chuyển, thậm chí vay nợ ngân hàng nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Việc duy tu bảo dưỡng để đảm bảo vấn đề cho phương tiện vận hành lại đã mất rất nhiều chi phí trong khi các xe bị hết niên hạn chạy trên 300 km ở trên tuyến vận tải cố định áp dụng đối với 100% xe giường nằm (toàn bộ xe khách giường nằm tại Điện Biên đều chạy trên 300 km) lại không có cơ sở để bù trừ lại trong 5 năm sử dụng tiếp theo, không chạy được nên sẽ bắt buộc phải bán", ông Lê Đình Dũng cho biết.

Tại buổi đối thoại, các nhà xe vẫn đồng thuận với việc khấu trừ trực tiếp của cơ quan thuế, tuy nhiên, hệ số này cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị vận tải, nhà xe trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Đại diện các nhà xe phát biểu tại Hội nghị. 

Kết luận tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Điện Biên cho biết, qua các ý kiến, Cục Thuế tỉnh Điện Biên đã ghi nhận và sẽ giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô tỉnh Điện Biên trong 2 ngày 27 - 28/2 sẽ họp thống nhất với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đề xuất ý kiến.

Chậm nhất vào 1/3, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô tỉnh Điện Biên gửi văn bản đến Cục Thuế tỉnh Điện Biên về ý kiến của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách xin nộp thuế theo phương pháp nào và đề xuất hệ số lợi dụng ra sao. Trên cơ sở các ý kiến này, Cục Thuế Điện Biên sẽ mời tư vấn của Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) để có mức điều chỉnh cho phù hợp.

Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, ngày 25/2, hàng chục xe khách giường nằm của các đơn vị như: Xuân Long, Long Giang, Hợp tác xã vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ thành phố Điện Biên Phủ… đã đồng loạt căng biểu ngữ trước đầu xe, diễu hành trên đường và tập trung tại đoạn đường trước Cục Thuế tỉnh Điện Biên để xin tạm dừng hoạt động vì bức xúc với mức áp dụng thuế theo Quyết định số 7/QĐ-CTDBI của Cục Thuế tỉnh Điện Biên về việc ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm và doanh thu đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Nhiều nhà xe không giảm giá cước, Lâm Đồng lập đoàn kiểm tra đột xuất
Nhiều nhà xe không giảm giá cước, Lâm Đồng lập đoàn kiểm tra đột xuất

Ngày 3/10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước thực trạng nhiều đơn vị vận tải vẫn không có phương án giảm giá cước vận chuyển theo giá xăng liên tục giảm, đơn vị sẽ lập đoàn kiểm tra đột xuất các đơn vị vận tải hành khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN