Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện Nghị quyết 24, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí thực hiện là 2.939 tỷ đồng; đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 24, nhiều nội dung đã đạt mục tiêu đề ra như: Sản lượng cà phê toàn tỉnh bình quân đạt 513.243 tấn/năm; năng suất bình quân năm 2023 đạt 26,72 tạ/ha, tăng 14% so với mục tiêu; diện tích cà phê thực hiện tái canh đến năm 2020 là 35.408 ha, đạt 109,5%.
Từ năm 2021 - 2023, tổng diện tích cà phê thực hiện tái canh tại tỉnh đạt 10.755 ha, tăng hơn 2.000 ha/năm so với mục tiêu đề ra. Diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.317 ha, sản lượng đạt hơn 100.065 tấn; 100% cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giai đoạn 2018 - 2023, sản lượng cà phê chế biến sâu tại tỉnh đạt 249.900 tấn, bình quân hằng năm đạt khoảng 41.650 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tương đối ổn định, số lượng cà phê xuất khẩu năm 2023 là 304.064 tấn, kim ngạch đạt 760.396 triệu USD.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, việc thực hiện Nghị quyết 24 vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt. Trong đó, việc giảm diện tích cà phê, duy trì ổn định 180.000 ha không thể thực hiện do nhiều yếu tố như: thị trường, công tác quản lý, quy hoạch, công tác tuyên truyền; các công trình thủy lợi hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu tưới của khoảng 30% diện tích cà phê…
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến cần rà soát lại diện tích cà phê trồng thuần và trồng xen để có chính sách phù hợp; chưa có cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp sản xuất cà phê với địa phương; công tác quản lý vùng trồng chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến nhiều diện tích cà phê bị người dân phá bỏ…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, Đắk Lắk được xem là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam với diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 30% diện tích cà phê cả nước, khoảng 33,19% diện tích cà phê vùng Tây Nguyên. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Do đó, phát triển cà phê bền vững có tầm quan trọng rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội Đắk Lắk. Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần rà soát lại để thấy rõ hơn kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 24.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong việc chủ động thực hiện Nghị quyết 24; đồng thời đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả Kế hoạch tái canh cây cà phê giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 24, xem xét và đề xuất chính sách phù hợp với tình hình thực; thống kê lại diện tích, sản lượng cà phê hiện nay để có số liệu chính xác; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cà phê trong triển khai các chính sách về nông nghiệp và quản lý đất đai.
Ông Trần Phú Hùng đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phát triển cà phê bền vững, có chứng nhận; tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có giải pháp để nguồn vốn tín dụng vay tái canh đến được với người trồng cà phê; tăng cường công tác quản lý giống và xây dựng vùng trồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản xuất cà phê bền vững…
Trước đó, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Lắk đã giám sát thực tiễn việc thực hiện Nghị quyết 24 tại các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Cư M’Gar, thị xã Buôn Hồ và công ty cà phê trên địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Cư Kuin.