Đắk Lắk thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững

Tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình cà phê bền vững có chứng nhận UTZ từ năm 2002 và sau đó lần lượt là các tiêu chuẩn 4C, RFA, FLO, gần đây là cà phê hữu cơ. Đắk Lắk hiện dẫn đầu cả nước về diện tích cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, với hơn 45.674 ha.

Chú thích ảnh
Cà phê đặc sản Việt Nam 2023 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế, quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững ở cả 3 khía cạnh là kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, năm 2016, công ty đã liên kết với các hợp tác xã để sản xuất, chế biến cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao, đào tạo nông dân thay đổi tư duy canh tác, tư duy chế biến, đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi cà phê đặc sản cũng như mạnh dạn giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thành quả, năm 2020, công ty xuất khẩu container cà phê đặc sản đầu tiên với 20 tấn sang thị trường Anh quốc. Năm 2022, một nhà pha chế cà phê nổi tiếng của Nhật sử dụng mẩu cà phê đặc sản Việt Nam tham gia cuộc thi pha chế cà phê quy mô thế giới tổ chức tại Australia… Đây là những “đòn bẩy” để cà phê đặc sản Việt Nam chính thức hội nhập sâu vào thị trường cà phê toàn cầu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Diện tích cà phê của tỉnh hiện có hơn 213 ha, sản lượng trên 526.700 tấn/năm. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt hơn 0.000 tấn, kim ngạch đạt 798 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là cà phê nhân, số lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan các năm gần đây có tăng nhưng chiếm tỷ lệ còn thấp. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột… vẫn chưa được xuất khẩu nhiều.

“Cà phê Việt Nam có thể coi là niềm tự hào của người Việt Nam và là nhu cầu không thể thiếu của các quốc gia tiệu thụ, đặc biệt là châu Âu. Chất lượng cà phê Việt Nam hiện được đánh giá rất cao trên thị trường toàn cầu, chất lượng ổn định và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường. Nhưng hiện nay vẫn bị ép giá do chúng ta chủ yếu bán nhân xô, chưa chế biến sâu nhiều nên thương hiệu quốc gia của cà phê Việt Nam còn hạn chế”, ông Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ.

Về chế biến, tỉnh Đắk Lắk hiện có 255 cơ sở chế biến tổng sản lượng khoảng 469.500 tấn cà phê/năm. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 15 dự án đầu tư chế biến cà phê với tổng vốn hơn 1.9 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh đang tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm (đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu tại Việt Nam) đầu tư vào tỉnh.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp đã và đang chủ động kết nối, đầu tư vào chế biến để xuất khẩu cà phê. Nghị quyết 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với những ưu đãi cho các Dự án đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư chế biến sâu.

Hoài Thu
Trên 600 vận động viên chạy bộ mừng năm mới tại Đắk Lắk
Trên 600 vận động viên chạy bộ mừng năm mới tại Đắk Lắk

Ngày 1/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Câu lạc bộ Dak Lak runners và Team Thể dục - Khoẻ tổ chức Giải chạy bộ "Bước chân của Rồng" chào mừng năm mới 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN