Đồng hành cùng người dân
Ngày 15/9, Thành đoàn Nam Định tổ chức lực lượng tập trung về các địa phương bị ngập nặng do nước các sông dâng cao, giúp nhân dân vệ sinh nhà cửa, các cơ quan, trường học.
Xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định là xã chịu ảnh hưởng nặng của bão và hoàn lưu sau bão số 3. Xã có 8 thôn bị ngập lụt, gần 600 hộ dân, gần 1.800 người phải di dời. Đây cũng là nơi được xem là “vựa” hoa của tỉnh. Tuy nhiên, sau bão và hoàn lưu bão số 3, 265/305 ha hoa của xã bị ngập nặng, thiệt hại rất lớn cho người dân.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh đang rút, các đơn vị của tỉnh đã huy động lực lượng về những nơi thiệt hại nặng, trong đó có xã Mỹ Tân giúp địa phương khắc phục thiệt hại sau bão.
Từ sáng sớm, khoảng 200 đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định và thanh niên các xã, phường trong thành phố đã có mặt tại xã Mỹ Tân. Tại đây, đoàn viên thanh niên đã tổ chức đội hình gồm các nhóm nhỏ từ 5 - 10 người, tỏa đi khắp các đường thôn, ngõ xóm trong xã và đến các trường học để dọn dẹp, vệ sinh giúp nhân dân.
Có mặt ở xã Mỹ Tân từ sáng sớm, em Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên lớp 17G, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, nhóm của em được phân công giúp nhân dân thôn Phụ Long và thôn Hồng Hà dọn vệ sinh. Hiện tại, thôn Hồng Hà nước vẫn chưa rút hết. Những nơi nước đã rút, đoàn viên thanh niên tập trung vét, dọn bùn đất ở các tuyến đường, quét dọn, vệ sinh nhà cửa, vận chuyển đồ đạc giúp người dân.
Bí thư Thành đoàn Nam Định Lê Đức Quynh cho biết, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, Thành đoàn cùng với các đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân sau mưa lũ.
Thành đoàn đã huy động 300 đoàn viên, chia thành 3 đội giúp các xã Mỹ Tân, phường Nam Phong và phường Lộc Hạ vệ sinh, dọn dẹp, hỗ trợ những hộ dân quay về nhà khi nước đã rút hết. Không chỉ tại các xã bị ngập lụt nặng, tại tất cả các xã, phường trong thành phố, các cơ sở đoàn cũng tập trung lực lượng đoàn viên thanh niên tại chỗ, dọn dẹp, vệ sinh môi trường nơi cư trú, giúp đỡ những gia đình khó khăn vệ sinh nơi ở, sớm ổn định cuộc sống.
Phòng ngừa dịch bệnh sau mưa bão
Để bảo đảm sức khỏe người dân, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh sau lũ, các địa phương trong tỉnh đã chủ động phương tiện, kết hợp cùng các đơn vị y tế chuẩn bị kịp thời triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Tại các khu vực chịu ngập nặng, nước rút tới đâu, cán bộ, nhân viên y tế tổ chức khử khuẩn đến đó. Hiện toàn bộ những diện tích bị ngập lụt tại các phường Cửa Nam, Trường Thi đã được xử lý phun hóa chất khử khuẩn. Tới đây sẽ triển khai phun tại các xã và những nơi có diện tích ngập trong thành phố.
Ông Vũ Thế Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, thành phố Nam Định cho biết, sau đợt mưa bão vừa qua, phường có 500 hộ dân bị ảnh hưởng, nhà bị ngập sâu khoảng 1m. Nước hiện đã rút, song một số khu vực trũng thấp vẫn còn ngập. Ngay sau khi nước rút, lực lượng chức năng của phường đã hỗ trợ nhân dân trở về nhà, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Để phòng ngừa dịch bệnh, phường đã tổ chức phun khử khuẩn phòng dịch bệnh cho nhân dân.
Nhằm kịp thời xử lý môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ, Trung tâm Y tế thành phố Nam Định đã cấp 120 kg CloraminB cho các xã, phường vị ngập lụt; tổ chức phun cho các địa phương phòng dịch. Xử lý các bể nước, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày bằng CloraminB; khử khuẩn toàn bộ cơ sở giáo dục, công sở, công trình công cộng trên địa bàn thành phố và những nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Đồng thời phun hóa chất diệt côn trùng trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm sang người như ruồi, muỗi.
Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố sẽ xác minh, điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, tình hình sức khỏe người bệnh, tạm thời khoanh vùng để xử lý dịch bệnh.
Đối với những khu vực chưa rút hết nước, có dân sinh sống, cán bộ y tế hướng dẫn người dân chủ động thu gom rác, không xả thải ra môi trường; tăng cường giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn các hình thức phòng dịch bệnh; cử cán bộ y tế hằng ngày nắm bắt tình hình sức khỏe người dân để phát hiện dịch bệnh kịp thời…
Dự báo những ngày tới, tình hình dịch bệnh phát sinh sau lũ có thể diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng các bệnh về tiêu hóa, mắt, sốt xuất huyết. Để chủ động phòng ngừa, cùng với bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất, ngành Y tế tỉnh Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, các cơ sở y tế sẵn sàng hỗ trợ các địa phương bị ngập úng tổ chức khám, điều trị cũng như khoanh vùng dập dịch nếu có.