Đa dạng ngành nghề đào tạo
Ninh Thuận hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 400 giáo viên tham gia giảng dạy; bình quân, hàng năm đào tạo nghề cho trên 9.000 lao động. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới thiết bị phục vụ giảng dạy và phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo.
Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận hiện đã có 5 nghề được chọn đào tạo trọng điểm gồm: nghề điện công nghiệp đạt cấp độ quốc tế; nghề điện tử công nghiệp, nghề kỹ thuật xây dựng cùng đạt cấp độ khu vực ASEAN; nghề công nghệ ô tô, nghề quản trị khách sạn cùng đạt cấp độ Quốc gia. Nghề cơ điện tử đạt cấp độ đào tạo theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức.
Em Trống Đăng Khôi (sinh năm 2003, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ, em học ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí - Xây dựng, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Hơn một qua, em và các bạn cùng khóa đã được tiếp cận với giáo trình đào tạo chuẩn quốc tế, trang bị những kỹ năng chuyên môn trong nghề nghiệp, rèn luyện năng lực sáng tạo, ứng dụng nghề nghiệp vào cuộc sống.
Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thông qua dự án “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ, nhà trường đã bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu giảng dạy và thực hành. Toàn trường hiện có 90 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Các nội dung, phương pháp giảng dạy được đổi mới phù hợp với các đối tượng học viên, sát với các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định liên kết đào tạo nghề với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp là định hướng chiến lược của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đang có quan hệ ổn định với trên 80 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên thực tập nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 85%, mức thu nhập bình quân đạt từ 6 - 15 triệu đồng/người/tháng. Trường đang đào tạo 14 ngành nghề từ trình độ sơ cấp đến Cao đẳng với khả năng đào tạo trên 2.000 sinh viên/năm.
Qua thống kê, giai đoạn 2011-2020, Ninh Thuận đã tổ chức tuyển mới và dạy nghề cho 89.362 người (trình độ Cao đẳng, Trung cấp 10.060 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 79.302 người), trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 29.320 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,2% (191.562 người) năm 2020. Qua đó, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 163.9 lao động. Hàng năm, khoảng 85,7% lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Số còn lại tự tạo việc làm hoặc đăng ký học liên thông lên trình độ cao hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề của Ninh Thuận cũng gặp không ít khó khăn như: chất lượng lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ, y tế, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn còn thiếu cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn gặp khó khăn.
Tăng cường các giải pháp
Tỉnh mục tiêu đến năm 2025 đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 1,9 lần so với năm 2020, xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.120 tỷ đồng.
Theo đó, Ninh Thuận tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị. Tỉnh tập trung phát triển chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Một trong những mục tiêu trọng điểm đến năm 2025, địa phương phấn đấu có ít nhất 63% lao động làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm 5,5%, lĩnh vực du lịch đẳng cấp cao chiếm 5,5%, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù chiếm 20,5%, lĩnh vực kinh tế đô thị chiếm ,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.
Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu ít nhất % lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm 7,3%, lĩnh vực du lịch đẳng cấp cao chiếm 13,8%, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù chiếm 20,2%, lĩnh vực kinh tế đô thị chiếm 58,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp; trong đó, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ học vấn, thể lực, tầm vóc nguồn nhân lực. Cùng đó, địa phương đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thông qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ đào tạo và định hướng phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực; nâng cao trách nhiệm cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.
Đồng thời, Ninh Thuận tập trung xây dựng Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025; nâng cấp Trường Trung cấp Y tế lên Cao đẳng Y tế; phát triển các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo nghề cho xã hội; đẩy mạnh hợp tác ba bên Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện để thành lập trường Đại học đa ngành tại Ninh Thuận sau năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm, từng bước hướng đến đạt tiêu chuẩn trình độ ASEAN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cả ba yếu tố cơ bản là sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị, các sở, ngành, các cấp quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực; xác định rõ nội dung, nhu cầu, nhiệm vụ về đào tạo nguồn nhân lực đối với từng ngành, lĩnh vực và từng cấp địa phương. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức thực hiện. Các cấp kịp thời đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.