Dự án gồm các hạng mục gồm đê bao, kết hợp đường và cầu giao thông nông thôn và 5 cống thủy lợi trên toàn tuyến đê bao. Hạng mục tuyến đê bao có tổng chiều dài khoảng 9 km, với cao trình đỉnh đê +2,80, bề mặt đê rộng 5 m, bề rộng mặt đường dành cho xe lưu thông 3,5 m được láng nhựa tiêu chuẩn cấp đường nông thôn loại B. Hạng mục cống được xây dựng bằng bê tông cốt thép có cửa van điều tiết; cầu giao thông trên cống được xây dựng có tải trọng cầu 8T, mặt cầu rộng 4m. Dự án được xây dựng hoàn thành từ nay đến năm 2027.
Theo UBND huyện Cầu Kè đơn vị chủ đầu tư, mục tiêu của dự án đê bao nhằm chủ động kiểm soát và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 990 ha vườn cây ăn trái của hơn 1.100 hộ dân trong vùng dự án; đồng thời hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân; góp phần thực hiện thành công tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Cầu Kè.
Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh có hơn 65 km bờ biển, có hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và nhiều tuyến sông ngòi. Những năm gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, đê điều vào mùa mưa bão, ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đều có nhiều điểm sạt lở bờ biển, bờ sông với các mức độ khác nhau.
Hàng năm tỉnh luôn chủ chủ động khắc phục, gia cố, sửa chửa đê điều, kè biển, kè sông nhằm chủ động ứng phó triều cường, đảm bảo sản xuất, lưu thông và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực trước mùa mưa bão. Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã dành nguồn ngân sách hơn 14 tỷ đồng để thi công sửa chữa, gia cố 4 hạng mục công trình đê điều trên địa bàn huyện Châu Thành và thị xã Duyên Hải.
Cùng với việc gia cố, khắc phục đê điều, tỉnh tập trung thực hiện Dự án trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đã trồng mới và chăm sóc phát triển rừng đạt tổng diện tích hơn 9.5 ha, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 4,07%. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, trồng mới khoảng 800 ha rừng để nâng độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 4,2%. Hiện tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch 23.984 ha đất vùng ven biển để bố trí phát triển tổng diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại hơn 11.728 ha được bố trí cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Việc đầu tư phát triển diện tích rừng được xem là giải pháp hữu hiệu, bền vững để bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, biển xâm thực vào đất liền trên địa bàn tỉnh trước tình hình biến đổi khi hậu ngày càng diễn biến gay, gắt, khó lường.