Nhiều lợi ích
Bình quân mỗi ngày, tại Khoa Khám của Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh (thuộc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khành Hòa) có từ 400 - 500 bệnh nhân tới khám. Sau khi bệnh viện áp dụng chuyển đổi số trong việc lấy số khám bệnh tự động, đăng ký khám bệnh online qua app Ourhealth,đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, tình trạng người bệnh xếp hàng chờ đợi ở khu vực chờ, đóng và trả viện phí tại Khoa Khám của bệnh viện giảm hẳn, nhất là tình trạng tập trung đông người vào đầu giờ sáng, chiều đã không còn.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế, sở đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu viện phí. Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, Sở Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt. Năm 2023, 18/18 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt với 3 phương thức: QR code, chuyển khoản, máy POS.
Kết quả khảo sát của Sở Y tế cho thấy, hình thức thanh toán bằng quét mã QR giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dễ dàng thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh; khách hàng không cần xếp hàng thanh toán tại quầy, giảm thời gian chờ đợi tại các bộ phận thu phí; người nhà dù ở xa vẫn có thể thanh toán chi phí chữa bệnh cho người thân của mình đang điều trị tại bệnh viện một cách nhanh chóng, kể cả ngoài giờ hành chính.
Việc giao dịch bằng chuyển khoản còn góp phần hạn chế lây nhiễm các dịch bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế; bộ phận thu phí giảm được 4/5 thời gian thu phí; tiền sau khi giao dịch sẽ chuyển ngay vào tài khoản của bệnh viện, tránh được sai sót trong thanh toán và công khai, minh bạch trong quá trình khám chữa bệnh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa về kết quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023, 100% đơn vị ngành Y tế triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; doanh số thanh toán viện phí qua ngân hàng đạt 92 tỷ đồng với 23.900 giao dịch.
Đa dạng hình thức thanh toán
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
Theo Sở Y tế Khánh Hoà, đó là phí thu cho quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao; tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp.
Bên cạnh đó, đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán, không sử dụng được điện thoại thông minh; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa được đồng bộ do các bệnh viện ứng dụng nhiều hệ thống phần mềm quản lý. Tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như dùng tài khoản các ngân hàng thương mại của người dân rất thấp. Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, hầu hết bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều có hoàn cảnh khó khăn nên số lượng bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện thấp.
Bên cạnh những giải pháp đã triển khai, trong thời gian tới, Sở Y tế Khánh Hoà chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục cung cấp đa dạng các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đối với bộ phận người dân không có thẻ và tài khoản ngân hàng, ngành Y tế sẽ kết nối, phối hợp với các ngân hàng tổ chức cấp thẻ thanh toán nhằm giúp họ tiếp cận việc thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện; tổ chức các buổi hội thảo về giải pháp mới thanh toán không dùng tiền mặt đến các cơ sở y tế… Ngành Y tế cũng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh, qua đó góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong ngành nói riêng và của tỉnh nói chung.