Tại hội nghị, cùng với việc chia sẻ các thiệt hại, lãnh đạo các doanh nghiệp đã chủ động chia sẻ một số kinh nghiệm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như một số nội dung đề xuất Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hỗ trợ.
Ông Jung Hyeok, Tổng giám đốc Công ty LS Metal Vina đại diện cho nhóm doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Deep C đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hải Phòng tuyên bố Khu công nghiệp Deep C là vùng thiên tai đặc biệt để các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ Chính phủ và phục hồi thiệt hại kịp thời. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị, một phần tiền lương của người lao động do ngừng sản xuất được bảo hiểm xã hội chi trả. Điều này sẽ giúp các công ty giữ chân người lao động, giảm bớt gánh nặng tài chính.
Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Deep C cũng đề nghị giảm tạm thời nhiều loại thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiền điện, tiền nước để giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình phục hồi. Các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bị ảnh hưởng bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.
Đại diện các doanh nghiệp khác đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến nhập khẩu trang thiết bị hỏng hóc của doanh nghiệp do tác động của bão số 3. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động như hỗ trợ gạo, tiền mặt, cho nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương trước và sau bão để chăm lo nhà cửa, cũng như đề xuất với công ty mẹ hỗ trợ thiệt hại sau bão.
Theo ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam, cùng với việc rà soát các thiệt hại chung của doanh nghiệp, công ty cũng đã đề nghị người lao động báo cáo thiệt hại của gia đình mình để công ty báo cáo lãnh đạo tập đoàn để hỗ trợ một phần giúp người lao động yên tâm làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Trần Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, làm việc không quản giờ giấc để doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục, sớm ổn định sản xuất.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đối với những việc thuộc thẩm quyền của thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ trực tiếp báo cáo lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban để thành phố đưa ra các quyết định hỗ trợ kịp thời. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, lãnh đạo ban sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra các giải pháp có lợi nhất cho doanh nghiệp như sẽ công bố tình trạng khẩn cấp ở Khu Công nghiệp Deep C, cùng với doanh nghiệp làm việc với các công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm triển khai thủ tục bồi thường sớm nhất.
Ông Lê Trung Kiên cũng đề nghị các công ty kinh doanh hạ tầng xem xét giảm thuế, phí. Ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất, đầu tư thiết bị mới. Các cơ quan liên quan cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế, phí để có thêm thời gian phục hồi sản xuất và một số nội dung khác.
Ông Lê Trung Kiên khẳng định, mong muốn lớn nhất của thành phố thời điểm này là các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, phục hồi, chung tay cùng xây dựng thành phố phát triển, nhanh, mạnh, bền vững, đồng thời bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ như sau đại dịch COVID-19, đảm bảo chuỗi cùng ứng liên tục của các doanh nghiệp tại Hải Phòng trong thị trường toàn cầu.