Hội thảo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học để tư vấn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về "Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới tư duy phát triển, xây dựng, quản lý quy hoạch, thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù; thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Cùng với đó là các định hướng phát triển đô thị; phát triển vùng kinh tế động lực; bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính cho phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...
Các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp thiết thực, có tính thực tiễn cao. Trong đó có đề nghị Khánh Hòa tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng chính sách phát triển bền vững; cơ cấu lại kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuần hoàn; quy hoạch đô thị thông minh, phát huy tiềm năng từng vùng; đầu tư hạ tầng hiện đại, đặc biệt là giao thông và hạ tầng số; liên kết khu vực trong đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục, khoa học. Đồng thời cần thu hút hiệu quả nguồn lực thông qua cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong du lịch, công nghiệp, logistics; kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo. Các ý kiến sẽ được tổng hợp để đề xuất với Trung ương và tỉnh Khánh Hòa nhằm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh tập trung khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy kinh tế biển làm nền tảng phát triển; đẩy mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm gia tăng giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh. Khánh Hòa sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, đầy mạnh đầu tư hạ tầng, liên kết, hợp tác với các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tỉnh quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09/NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế Khánh Hòa từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại, quy mô nền kinh tế được mở rộng, vượt mốc 100.000 tỷ đồng, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 4/13 khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời tỉnh tiếp tục duy trì là một trong 18 địa phương có đóng góp cao vào ngân sách Trung ương; chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, nâng cao; gia tăng tính ổn định và sức cạnh tranh của các lĩnh vực.
Khánh Hòa có bước tiến vượt bậc về kinh tế: GDP năm 2022 tăng 20,7%, cao nhất cả nước; năm 2023 tăng 10,24%, đứng thứ 4 cả nước. Trong 9 tháng của năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 10,45%, xếp thứ 6 cả nước và xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối.