Số lợn tiêu huỷ nêu trên thuộc ba huyện là: Đầm Dơi, Năm Căn và thành phố Cà Mau. Trong số đó, địa bàn huyện Đầm Dơi có số lợn tiêu huỷ nhiều nhất với tổng số 111 con, của 18 hộ chăn nuôi. Hiện, huyện Đầm Dơi còn tổng đàn lợn hơn 2.500 con diện nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với nguy cơ lây lan ra diện rộng, UBND huyện Đầm Dơi đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện; UBND huyện Năm Căn công bố dịch trên địa bàn xã Tam Giang. Gần đây nhất, Chi cục Thú y vùng VII có thông báo kết quả xét nghiệm phát hiện virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi trên tổng đàn lợn rừng 11 con tại Phường 6, thành phố Cà Mau. Địa phương này cũng đang chuẩn bị công bố dịch bệnh trên địa bàn phường.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp, cũng như tính toán các giải pháp hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại, có điều kiện tại tái sản xuất.
Để kịp thời hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép Chi cục Chăn nuôi và Thú y mua các test nhanh để thực hiện xét nghiệm, làm điều kiện, căn cứ cho việc vận chuyển giết mổ trong địa bàn nội tỉnh, nhất là đối với địa phương trong tỉnh đã công bố dịch; thống nhất cho phép việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy được áp dụng thực hiện theo Quyết định số 1222/QĐ-UBND (ngày 13/7/2017) của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Chi cục trưởng Nguyễn Thành Huy cho biết thêm, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp trực tiếp với UBND các xã triển khai ngay các biện pháp chống dịch trên địa bàn đang xảy ra dịch, giám sát lâm sàng tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện. Đặc biệt là kiểm soát vận chuyển, xử lý dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, giám sát lâm sàng và điều tra tổng đàn có nguy cơ của các xã, phường đang xảy ra dịch bệnh.
Đồng thời, phân công cán bộ lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phụ trách địa bàn, hỗ trợ xử lý dịch bệnh tại địa phương, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống và xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã hỗ trợ cấp phát hơn 600 lít Benkocid theo đề xuất của huyện để chống dịch; đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm soát việc vận chuyển, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn...