Khởi sắc từ dòng vốn vay
Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã tác động sâu sắc đến từng người dân. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, người dân tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo bền vững đã từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Gia đình ông Bùi Hạnh Phúc, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh là một trong những hộ nghèo nhất, nhì thị trấn. Năm 2018, ông được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng. Có vốn, ông Phúc đầu tư chăn nuôi gà, lợn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lợn nái sinh sản đến đâu, ông Phúc để lại nhân đàn. Lứa nọ gối lứa kia, dần dà cũng hoàn trả được vốn vay và có tích lũy, sửa chữa, tân trang lại nhà cửa. Đến cuối năm 2020, gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Thoát nghèo, ông Phúc vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mở mày mở mặt với bà con lối xóm, song cũng lo lắng để chăn nuôi bền vững, tránh thất bát, rồi lại tái nghèo. Đúng lúc ấy, ông được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tư vấn, tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân đàn lợn. Phát triển chăn nuôi đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Trừ chi phí, năm nay, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng - ông Phúc chia sẻ.
Tương tự, bà Đỗ Thị Yến, xã Ngọc Lập, huyện miền núi Yên Lập cũng được ngân hàng chính sách huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng dành cho đối tượng sản xuất kinh doanh từ năm 2017. Ban đầu, bà đầu tư toàn bộ vốn vào trồng cây ăn quả. Sau 5 năm cần cù lao động, vừa trồng cây ăn quả vừa trồng xen ghép các loại rau màu khác và nuôi gia súc, gia cầm… đến nay, gia đình bà Yến đã có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
“Muốn thoát cảnh nghèo túng thì phải quyết tâm và chịu khó, tìm ra cách sử dụng đồng vốn vay dành cho hộ nghèo sao cho hiệu quả chứ không nên trông chờ hay ỷ lại quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước” - bà Yến giãi bày kinh nghiệm.
Một trong những chương trình được triển khai theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo. Sau gần 7 năm triển khai, nguồn vốn này đã tiếp sức cho hàng chục nghìn hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,6%/năm, đồng nghĩa với việc mỗi năm có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh ra khỏi danh sách nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, cận nghèo không lớn, đa số sinh sống ở vùng khó khăn nên nếu gặp thiên tai, dịch bệnh hay gia đình có người bệnh tật là dễ tái nghèo.
Cũng giống như hộ cận nghèo, nhóm hộ mới thoát nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi nhu cầu vốn phục vụ đầu tư sản xuất cao.
Chung sức, chung lòng
Những năm gần đây, nhờ giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã chứng minh hiệu quả. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh có gần 15.000 hộ thoát nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ tái nghèo thấp hơn nhiều so với tổng số hộ nghèo. Kết quả này một phần nhờ tác động từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã và đang có hiệu ứng rất tích cực trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho hay, nguồn tín dụng ưu đãi như những chiếc “cần câu” giúp hàng nghìn hộ mới thoát nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Chỉ tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã có hơn 4.300 lượt hộ mới thoát nghèo được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi với số tiền gần 295 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 14.000 hộ mới thoát nghèo còn vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 771,4 tỉ đồng; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02%. Một số địa phương có dư nợ cao như: Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Phù Ninh…, từ đó góp phần tích cực vào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai, chính sách này đã bộc lộ một số bất cập như: tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; thời hạn tối đa cho vay 5 năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi…
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của chính sách góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững, kể từ ngày 30/3/2021, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.
Đồng thời, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu đề nghị xem xét cho phép đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo lên tối đa là 5 năm, kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Sự điều chỉnh này sẽ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân mới thoát nghèo.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cũng có thêm nhiều giải pháp phù hợp, thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Ngân hàng không chỉ làm tốt khâu kiểm tra, giám sát mà còn hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn; tạo ý thức của người vay trong việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi đúng hạn…. Đồng thời, củng cố mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện có nề nếp, quy củ việc giao dịch cố định tại xã; phát huy vai trò của tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác... nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội trở thành công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tổ. Đội ngũ những người làm tín dụng chính sách vẫn đang nỗ lực bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng; góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững.