Tỉnh sẽ có hơn 1.500 ha lúa Hè Thu và khoảng 20.000 ha cây hằng năm thiếu nước. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất. Các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết khắc nghiệt.
Đầu tư hạ tầng kênh mương
Vụ Hè Thu 2024, tỉnh Phú Yên gieo sạ 24.500 ha lúa. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay đến tháng 7/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ. Toàn tỉnh sẽ có 1.500 ha lúa không đảm bảo nguồn nước tưới.
Ông Bùi Văn Thạch (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) dự định gieo trồng hơn 1 ha lúa trong vụ Hè Thu năm nay. Hiện gia đình đã thuê máy cày ải, đắp đất mở đường dẫn nước tưới tiêu trước khi gieo sạ. Ruộng có nguy cơ khô hạn nên ông Thạch chủ động tìm kiếm nguồn nước cho cây lúa. Địa phương cũng đã nạo vét con kênh nội đồng phục vụ canh tác nên ông yên tâm sản xuất.
Tại các địa phương trong tỉnh, nông dân cùng các hợp tác xã nông nghiệp đang chờ hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước về sẽ tiến hành gieo sạ lúa vụ Hè Thu 2024. Để nguồn nước tưới đến được ruộng của nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp chủ động đầu tư nâng cấp, sữa chữa hạ tầng kênh mương nội đồng; đồng thời tiến hành nạo vét bùn đất, rác thải trong lòng các tuyến mương dẫn nước.
Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (thị xã Đông Hòa) cho biết: Vụ Hè Thu năm nay sẽ xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ. Vì vậy, hợp tác xã tiếp vận động người dân chủ động trong công tác tưới tiêu. Trong đó, chú trọng cải tạo động ruộng, tu bổ kênh mương. Đối với những diện tích lúa bị khô hạn do lượng nước tưới kênh chính chưa đảm bảo thì hợp tác xã hỗ trợ người dân khoan giếng lấy nước tưới tiêu.
Ngay khi kết thúc vụ Đông Xuân 2023 - 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã thực hiện đóng nước các công trình thủy lợi để nạo vét, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Hai tuyến kênh Chính Bắc và Chính Nam thuộc hệ thống đập Thủy nông Đồng Cam được khẩn trương sữa chữa, gia cố những đoạn hư hỏng để kịp phục vụ tưới tiêu lúa Hè Thu.
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam, để đảm bảo cung cấp nước thông suốt đến các khu đồng vụ hè thu, Công ty đã huy động nhiều nhà thầu có đủ năng lực tập trung phương tiện và nhân lực sửa chữa 16 hạng mục công trình tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, bảo dưỡng công trình máy móc thiết bị tưới tiêu với kinh phí gần 9 tỉ đồng.
Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo một số hồ chứa thuộc hệ thống đập Thủy nông Đồng Cam sẽ giảm dần và cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước tưới lúa vụ Hè Thu. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam đã xây dựng phương án chống hạn cụ thể ở từng khu đồng. Cán bộ thường xuyên kiểm tra nguồn nước dự phòng từ sông suối, ao hồ, nước ngầm để có kế hoạch trữ nước và lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến nếu xảy ra khô hạn.
Chuyển đổi cây trồng phù hợp
Tỉnh Phú Yên hiện có 48 hồ chứa nước với tổng dung tích toàn bộ là 117,7 triệu m3, 118 đập dâng và 157 trạm bơm. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các hồ còn 77 triệu m3, đạt 72% dung tích thiết kế. Trong thời gian tới, dự báo nắng nóng diện rộng và gia tăng về cường độ, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha cây hằng năm không chủ động được nguồn nước tưới.
Tại huyện Sông Hinh, dù một số thời điểm có mưa nhưng nắng hạn gay gắt vẫn tiếp diễn và có nguy cơ kéo dài trong thời gian tới. Nhiều diện tích trồng cây ăn quả thiếu nước tưới nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất thu hoạch. Do vậy, các chủ vườn đang nỗ lực tận dụng nguồn nước giếng, sông suối, ao hồ để bơm tưới chống nắng hạn.
Vườn sầu riêng của ông Võ Minh Tuấn (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) thiếu nước tưới nghiêm trọng trong thời gian qua do nắng hạn gay gắt. Một số giếng khoan, giếng đào trong vườn nhà đã cạn nước. Hơn 50 cây sầu riêng của ông bị rụng lá, suy nhược dẫn đến chết cây do thiếu nước tới. Ông Tuấn ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng trong vụ sầu riêng năm nay.
Tại huyện Sơn Hòa, tình trạng thiếu nước trồng trọt diễn ra tại một số xã như Sơn Hội, Sơn Định, Sơn Phước, Sơn Nguyên… Có tổng cộng trên 1.600 ha mía và 600 ha sắn bị khô héo do thiếu nước tưới. Đặc biệt, có khoảng 25 ha cây mía tại các xã Sơn Hội, Ea Chà Rang và thị trấn Củng Sơn bị cháy do nắng hạn gay gắt diễn ra trong thời gian qua.
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Ngàn (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) trồng khoảng 2 ha cây sắn. Tuy nhiên, do tình trạng nắng hạn và thiếu nước tưới nên cây bị còi cọc, chậm phát triển, dự kiến năng suất giảm hơn 50%. Khu vực trồng sắn của ông nằm cách xa khu dân cư nên việc khoan giếng, kéo điện gặp nhiều khó khăn. Ông Ngàn đang tính toán phương án chuyển từ trồng sắn sang trồng cây keo để nâng cao giá trị sản xuất và tránh được nắng hạn, thiếu nước.
Các ngành và một số địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nắng hạn hiện nay Huyện Sông Hinh hỗ trợ nông dân trồng sắn sử dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp tưới nhỏ giọt bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao và chống chịu được nắng hạn. Huyện Đồng Xuân và thị xã Đông Hòa đưa vào sản xuất một số giống lạc mới thích ứng biến đổi khí hậu…
Nhằm chủ động ứng phó tình hình nắng hạn dẫn đến thiếu nước tưới trên cây trồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết nước các hồ chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp, chịu được khô hạn.