Trong đó, thành phố Tuy Hòa được phát triển với hệ thống công viên, cây xanh và có rừng trong thành phố. Đô thị Sông Cầu là trung tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chuyên biệt của vùng.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, tham vấn để định hướng phát triển cho đô thị ở địa phương này.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Với các đô thị khu vực ven biển Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh Phú Yên, tác động từ biển đối khí hậu càng trực diện, phức tạp hơn, đòi hỏi những biện pháp ứng phó cấp bách, nhưng phải có tầm nhìn dài hạn và bền vững. Chính vì vậy, công tác quy hoạch đô thị ven biển, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng làm giảm tác động xấu do thiên tai gây ra cho người dân.
Theo KTS Huni Architectes, Tổng Giám đốc Châu Á- Thái Bình Dương – Công ty Huni Architectes, vi khí hậu đô thị là một yếu tố then chốt trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị bền vững. Việc bảo tồn và phát triển các không gian xanh, quản lý nguồn nước hiệu quả không chỉ giúp cải thiện môi trường, mà còn nâng cao giá trị sống cho cộng đồng. Một số thành phố lớn trên thế giới đã thành công trong việc quản lý và cải thiện vi khí hậu đô thị, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Cụ thể như: Copenhagen, Đan Mạch: Thành phố giao thông xanh và bền vững; Singapore: Thành phố vườn nhiệt đới và không gian xanh tích hợp…
Trong nghiên cứu của mình, các kỹ sư Đoàn Trọng Tuấn và Phan Khánh Điệp (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) đề cập đến quy hoạch thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh nhằm thích ứng với ngập lụt đô thị. Giải pháp này ít tốn kém hơn so với các hệ thống thoát nước truyền thống; đem các giá trị môi trường như cung cấp cảnh quan cây xanh mặt nước, cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt… Điều này áp dụng trong quy hoạch và xây dựng đô thị phù hợp với bối cảnh đô thị hóa nhanh tại Việt Nam; nguồn lực cho phát triển đô thị còn nhiều khó khăn…
Biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, dẫn đến những tác động tiêu cực như tăng cường độ và tần suất của bão, lũ lụt và hạn hán. Đặc biệt, khu vực Nam Trung bộ chịu nhiều tác động từ thời tiết cực đoan. Các nhà khoa học dẫn số liệu của Tổng cục Hải Dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) trong vòng 70 năm (tính từ năm 1945), thành phố Đà Nẵng có số cơn bão đi qua nhiều nhất là 41 cơn bão; tỉnh Khánh Hoà với 32 cơn bão đi qua; tỉnh Bình Định với 18 cơn bão đi qua… Đây là những dẫn chứng đáng lưu ý trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đô thị tại tỉnh Phú Yên.
Hình thành chuỗi đô thị ven biển
Quy hoạch hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị ven biển cần được nhìn nhận ở một tầm nhìn chiến lược, dài hạn, có sự khác biệt (đặc trưng riêng) của mỗi đô thị. Tuy nhiên phải đặt các đô thị trong tổng thể liên kết hợp tác cùng nhau, bảo đảm sự bền vững trong tiến trình phát triển. Việc quy hoạch phát triển đô thị cần được lồng ghép chặt chẽ vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Tại tỉnh Phú Yên, “Công nghiệp – xây dựng đô thị” là một trong ba trụ cột tăng trưởng được xác định trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2 trụ cột còn lại là “Dịch vụ - du lịch” và “Nông – lâm – thủy sản”).
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh: "Đối với định hướng phát triển đô thị, tỉnh xác định: “Xây dựng chuỗi đô thị ven biển xanh và thân thiện môi trường. Phát triển thành phố Tuy Hòa với hệ thống công viên, cây xanh và có rừng trong trung tâm thành phố; phát triển mở rộng địa giới hành chính thành phố đảm bảo đô thị loại 1, xứng tầm là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp toàn tỉnh. Phát triển đô thị Sông Cầu là trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, trung tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chuyên biệt của vùng, là đô thị du lịch vệ tinh, kết nối thành phố Tuy Hòa và thành phố Quy Nhơn trong liên kết phát triển kinh tế, văn hóa...”.
Với định hướng này, thành phố Tuy Hòa không chỉ hướng tới trở thành một đô thị hiện đại mà còn là một không gian sống xanh, sạch, đẹp và bền vững, mang lại chất lượng sống cao cho cư dân, du khách, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.