Lợi thế có sẵn
Trước đây, Bạc Liêu là địa phương chỉ sản xuất một vụ lúa và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đến nay, ngành Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Chính vì vậy, đây được xem là điều kiện, lợi thế để tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Vĩnh Lợi là huyện thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi cùng ngành nghề thủ công. Sau thời gian thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện các sản phẩm của địa phương đã được thị trường chấp nhận như khô cá kèo Kiều Hạnh, rượu vang sơri Lâm Vũ, khô cá lóc Xuân Thảo… Hiện Vĩnh Lợi còn nhiều sản phẩm có thể được xây dựng thành sản phẩm đặc trưng như gạo Tài Nguyên, ổi Hồng Sen, bồn bồn xã Châu Hưng A...
Bên cạnh Vĩnh Lợi, các địa phương khác đã nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi và cho ra đời nhiều sản phẩm phong phú. Trong đó có các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 làng nghề truyền thống lâu đời như đan đát, dệt chiếu, rèn dao, mộc… tập trung ở các huyện Hồng Dân và Phước Long. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại các địa phương này được Tổ giúp việc xây dựng sản phẩm OCOP của huyện hướng dẫn làm thủ tục tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đối với những hộ nhỏ lẻ, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ về mặt thủ tục để được bình chọn, đánh giá, sau đó đưa lên Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá, xếp hạng và gắn sao công nhận.
Nhiều sản phẩm khác thông qua Chương trình OCOP không chỉ giúp cho chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) tăng thêm lợi nhuận mà còn tác động trực tiếp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất. Như việc nông dân cải tạo vườn tạp để đào ao phát triển thêm mô hình nuôi cá nước ngọt hay tận dụng diện tích mặt nước ở đồng ruộng áp dụng mô hình đa canh, đa con, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP. Những cách làm này không chỉ giúp nông dân khai thác, phát huy tốt tài nguyên đất, quan trọng hơn là thông qua sản phẩm OCOP đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập trực tiếp cho hàng trăm lao động địa phương.
Qua gần 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, Bạc Liêu có 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó có 67 sản phẩm 3 sao, 24 sản phẩm 4 sao) với chủng loại đa dạng, phong phú mang thương hiệu Bạc Liêu như: Muối tiêu Bạc Liêu, yến sào Minh Quang, mắm tôm thẻ Cô Út, tôm khô Đa Giàu, khô cá kèo Kiều Hạnh, bánh đậu xanh Hương Sen, Đông Trùng Hạ Thảo Trúc Anh...
Đơn hàng sản phẩm OCOP tăng từ 10-40%
Chủ tịch hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu khẳng định, qua gần 4 năm thực hiện, Chương trình đã lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu.
Thực tế, khi sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sao OCOP, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đó nhận được đơn đặt hàng cung cấp cho siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng lên từ 10 - 40%, qua đó mở hướng phát triển cho vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho chủ thể OCOP.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ nhân của sản phẩm OCOP khô cá kèo Kiều Hạnh (huyện Vĩnh Lợi) cho biết, trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, bình quân mỗi năm cơ sở của chị bán khoảng 5 tấn khô cá kèo. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng khô cá của cơ sở cung cấp ra thị trường tăng gấp 3 lần.
Tương tự, sản phẩm OCOP tôm đất khô của ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở Thiên Hương (ấp Cái Keo, xã An Phúc, huyện Đông Hải) có sản lượng tăng đến 50%, cao nhất trong các sản phẩm của tỉnh. Theo ông Võ Hùng Mạnh, để được người tiêu dùng tin tưởng, cơ sở luôn mạnh dạn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo nền tảng cơ sở hướng đến thị trường trong nước, đồng thời đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Tôm được lựa chọn từ thiên nhiên và phơi nắng nên có màu đỏ tự nhiên, mang hương vị đậm đà, xứng đáng với danh hiệu “vua của tôm khô”.
Theo nhận định của bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu, Chương trình OCOP bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Từ đó, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn mác, nhãn hiệu.
Định vị và tạo thương hiệu sản phẩm
Để Chương trình OCOP đảm bảo hiệu quả trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cho biết, Hội đồng tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng sở, ngành liên quan gắn kết chặt chẽ trong khâu hỗ trợ chủ thể kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên thị trường, gắn kết Chương trình OCOP với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP cần tiếp tục duy trì, nâng cấp chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng đến thị trường xuất khẩu…
Ở góc độ chuyên môn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu Phan Thị Thu Oanh cho biết, Sở tiếp tục tăng cường liên hệ, ký kết hợp tác với ngành Công Thương các địa phương trong khu vực, TP Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, đô thị lớn trong cả nước, hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa của tỉnh. Bên cạnh đó vận động doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ và hội nghị kết nối giao thương, kể cả hội nghị, hội chợ ở nước ngoài...
Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các chủ thể OCOP thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua vận động chủ thể OCOP đăng ký làm thành viên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu...
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (phường 2, thành phố Bạc Liêu), cơ sở Hải Liên - Khu Quan âm Phật đài Mẹ Nam Hải (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), cơ sở Kiều Hạnh (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi).
Ngoài ra, tỉnh khuyến khích thành lập mới nhiều hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra quy trình chuẩn, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và đảm bảo chất lượng; xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP, từ đó góp phần thiết thực trong việc tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu thời gian tới.