Xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, UBND xã Xuân Tiến (huyện Xuân Trường) đã phát huy nội lực, huy động toàn dân tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xóm đã họp bàn và cùng thống nhất kế hoạch, thành lập Tổ chỉ đạo xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Các hộ dân đã tự nguyện tháo bỏ tường rào, hàng cây, hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng...
Ông Đinh Trọng Phán (người dân xóm 8, xã Xuân Tiến) cho biết, khi được chọn là xóm đầu tiên của xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân đều nhiệt tình ủng hộ. Các gia đình tự giác góp công, góp của và thực hiện ngay các tiêu chí về môi trường, cảnh quan từ trong nhà ra ngoài ngõ đều khang trang sạch đẹp.
Theo ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Xuân Tiến, xã có 87% người dân theo đạo Công giáo. Triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện các giáo xứ, giáo họ để tuyên truyền, vận động sự tham gia của đồng bào Công giáo và nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, người dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 130.000 m2 đất, đóng góp trên 600 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi, kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm, kênh mương, trồng cây, hoa, dọn vệ sinh trên các tuyến đường.
Xã đã huy động được gần 189 tỷ đồng để đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Trạm Y tế xã được đầu tư xây mới khang trang, hiện đại với tổng kinh phí 6 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, còn lại là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân trên địa bàn ủng hộ. Đến nay, tỷ lệ dân số xã Xuân Tiến được quản lý sức khỏe đạt gần 97%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95 %; người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt trên 92%. Địa phương đã đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương, đường giao thông thuận tiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 83 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,74%.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sau một năm được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (năm 2022), tháng 11/2023, xã Xuân Tiến đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực y tế.
Giáo xứ Xuân Dục (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) có 1.200 hộ dân với 4.300 nhân khẩu; 100% người dân theo đạo Công giáo. Trên tinh thần sống phúc âm, tốt đời đẹp đạo và đồng hành cùng dân tộc, đồng bào Công giáo trong Giáo xứ đã tự nguyện, tự giác góp sức xây dựng nông thôn mới, xem đây là trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân đối với cộng đồng.
Chủ tịch Hội đồng mục vụ, Giáo xứ Xuân Dục Mai Xuân Tuyển cho biết, xây dựng nông thôn mới là công việc chung của toàn dân, hướng đến mục tiêu cao cả là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, các linh mục, nhà hảo tâm và người dân đã góp công, góp của xây dựng mới hai cầu bê tông cốt thép, kè lại hai bờ sông, làm hành lang giao thông, lắp đặt đèn chiếu sáng hai bên bờ sông với số vốn đầu tư 600 triệu đồng. Đồng bào có đạo đã góp 5,5 tỷ đồng xây dựng Trung tâm mục vụ của Giáo xứ, sửa chữa trường học giáo lý cho học sinh với số tiền 170 triệu đồng… Nhờ sự góp sức của đồng bào Công giáo và nhân dân trên địa bàn, xã Xuân Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 11/2023.
Theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, từ 2017 đến nay, đồng bào Công giáo địa phương đã tự nguyện hiến hơn 180 ha đất nông nghiệp và đất thổ cư để mở rộng đường giao thông thôn, xóm. Đồng bào Công giáo đã góp nhiều tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đường điện chiếu sáng thôn, xóm, xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Nam Định hiện có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định Trần Đăng An nhấn mạnh, các chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có nhiều đóng góp trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cùng với đó, các chức sắc tôn giáo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu đúng về vị trí, vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, vận động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu dân cư, bảo vệ cảnh quan môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Có thể khẳng định, sự vào cuộc của các chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo đã góp phần quan trọng vào thành công chung của tỉnh Nam Định trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.