Chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế chung của thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, cần có định hướng phát triển. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là NNHC) là một nhiệm vụ mới và nhiều khó khăn phức tạp nên, cần có những bước đi thận trọng từ xây dựng mô hình điểm để từng bước nhân ra diện rộng; quy mô phát triển NNHC phải phù hợp với các yêu cầu về an ninh lương thực, thực phẩm và đảm bảo thu nhập cho người sản xuất;
Để phát triển NNHC tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích gieo trồng hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 1.322 ha, chiếm 0,49% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; trong đó diện tích gieo trồng hướng hữu cơ 1.251 ha, chiếm 0,46% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; diện tích gieo trồng hữu cơ 72 ha, chiếm 0,03% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Chăn nuôi, bước đầu chỉ có chăn nuôi hướng hữu cơ; trong đó, đàn bò 290 con; đàn heo 1.700 con, đàn gia cầm 100.000 con. Thủy sản nuôi theo hình thức quảng canh dưới tàn rừng hướng hữu cơ (tôm sú, cá chẽm, cua biển, hàu và một số đối tượng nước lợ khác) với diện tích là 200 ha; Đến năm 2030, tổng diện tích gieo trồng hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 4.400 ha, chiếm 2,13% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Đề xuất 8 vùng đáp ứng các tiêu chí để hình thành vùng sản xuất NNHC tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bao gồm: huyện Tân Phú 2 vùng: vùng 1 là xã Đak Lua; vùng 2 (4 xã Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú Lập và Tà Lài); vùng 3 xã Thanh Sơn huyện Định Quán; vùng 4 xã Hiếu Liêm huyện Vĩnh Cửu; vùng 5 xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu; vùng 6 xã Suối Cao huyện Xuân Lộc; vùng 7 xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ; vùng 8 xã Phước An huyện Nhơn Trạch. Hình thành 23 điểm sản xuất NNHC không tập trung.
Để đạt được các mục tiêu Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện như: tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát hệ thống chính sách hiện hành, đặc biệt là những chính sách liên đến phát triển NNHC để tổ chức thực hiện tốt và hướng dẫn cụ thể đến người nông dân sản xuất NNHC; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm NNHC; thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong NNHC; xây dựng thương hiệu, XTTM và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC; Tập trung triển khai thực hiện danh mục 10 dự án ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bố trí phí thực hiện Đề án từ nguồn vốn ngân sách đầu tư 31,451 tỷ đồng.