Đồng Tháp có hơn 69% giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu

Tỉnh Đồng Tháp sản xuất 3 vụ lúa trong năm với gần 500.000 ha, hiện sử dụng hơn 69% giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp. 

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản lượng lúa đạt cao, giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng do cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm chính như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp 355 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích là 48.963 ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.600 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000 ha.

Nhiều mô hình hay sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Mô hình được thực hiện tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông với quy mô 50 ha/24 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận 1 với lượng giống sạ cụm 70 kg/ha. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Kết nối các dự án hiện có, tạo vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Tháp thực hiện việc liên kết tiêu thụ lúa với nông dân, diện tích thực hiện liên kết 6 tháng đầu năm 2023 của các huyện, thành phố trong tỉnh là 44.455 ha, sản lượng 309.175 tấn,. Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nông dân liên kết cùng công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty ADC, Công ty quốc tế Gia, Thuận Minh, Tân Thành, Hồng Tân, Phương Minh, Highlang Dragon... đa số lúa chất lượng cao để chế biến xuất khẩu.

Để lúa đạt chất lượng và sản lượng cao, ở huyện Tam Nông có mô hình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B, ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, huyện tham gia mô hình có 6 hộ tham gia sản xuất với 50 ha giống Zasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời. Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi ký lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường, Tập đoàn cộng thêm 800 đồng. Theo đó, vụ Đông Xuân vừa qua nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, gia đình của ông sản xuất hơn 2 ha lúa Hè Thu, sử dụng giống lúa OM 5451 cho năng suất hơn 75 tạ/ha, tăng hơn 8 tạ/ha so với năm 2022. Ông Giàu sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao cho gieo sạ, cho nên cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, lãi hơn lãi hơn 32 triệu đồng/ha.

Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (thành viên tham gia liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam) cho biết, 3 năm qua, ông cùng các nông dân khác trong xã liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, lúa chất lượng cao được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. Nông dân Đồng Tháp vui mừng khi giá lúa vụ Hè Thu tăng, giá lúa chất lượng cao bán tại ruộng giá từ 7.000- 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp định hướng cho ngành hàng lúa gạo của tỉnh là tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất; đồng thời, tích cực vận động chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao; quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo
Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hoả tốc số 5102/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai việc bình ổn thị trường lúa gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN