Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, hội nghị chất vấn nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác xã hội hoá đầu tư nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, gắn với việc thực hiện chỉ tiêu hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, làm rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện công tác xã hội hoá đầu tư nước sạch nông thôn để xác định cụ thể trách nhiệm và phương hướng, giải pháp, thời gian chấn chỉnh, khắc phục.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và lãnh đạo Công ty cổ phần cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp (DOWASEN) một số nội dung trọng tâm như: công tác triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách về đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch nông thôn; công tác vận hành, khai thác, quản lý các công trình cung cấp nước sạch; sự đáp ứng của hệ thống công trình cung cấp nước sạch nông thôn so với nhu cầu sử dụng thực tế; giá bán nước sạch sinh hoạt…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Tháp, các cơ chế về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cấp nước sạch nông thôn được phổ biến rộng rãi và áp dụng triển khai thực hiện tốt. Các dự án cấp nước đều được ưu tiên ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hỗ trợ cho vay vốn (hiện nay Quỹ đã hỗ trợ cho vay 15 dự án, số tiền khoảng 50 tỷ đồng). Chất lượng nước cung cấp cho người dân được quan tâm và cải thiện, thường xuyên thực hiện chế độ kiểm tra chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác các công trình cấp nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 3 mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn gồm: Mô hình quản lý hợp tác xã có 10 trạm cấp nước (chiếm 3,1%); mô hình quản lý đơn vị sự nghiệp có thu là 17 trạm cấp nước (chiếm 5,18%); mô hình quản lý theo hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty có 301 trạm cấp nước (chiếm 91,72%).
Hiện nay, hệ thống cấp nước từ công trình cấp nước tập trung hầu như phủ khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với tổng số 328 trạm cấp nước, trong đó có 78 trạm nước mặt, 250 trạm nước ngầm. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam (quy chuẩn áp dụng) đạt 90,27%.
Cùng với những kết quả tích cực, công tác xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn còn gặp một số khó khăn. Đó là việc triển khai các dự án nhà máy nước mặt nông thôn (để thay thế các trạm cấp nước ngầm) theo hình thức xã hội hóa còn chậm, thường bị vướng những quy định về đất đai, môi trường; giá nước sạch vùng nông thôn và đô thị còn chênh lệch, chưa xây dựng được đơn giá chung… Các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các công trình thủy lợi chưa bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống cấp nước.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Tuyến cho rằng, theo Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2023, tỉnh hoàn thành lộ trình chuyển đổi nguồn nước từ nước dưới đất (nước ngầm) sang nước mặt đối với các trạm cấp nước, nhà máy cấp nước tập trung. Tuy nhiên, vì gặp phải một số khó khăn nên tỉnh chưa hoàn thành theo tiến độ kế hoạch nói trên. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến đề nghị UBND tỉnh rà soát, tính toán lộ trình chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt cho phù hợp. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan cần quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch phục vụ người dân; cân đối, điều chỉnh giá nước sinh hoạt cho phù hợp.