Năm 2022, Hậu Giang xác định tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Hậu Giang tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phấn đấu đưa tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ và trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Bài 1: Khát vọng lớn
Tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH của Quốc hội khóa XI, ngày 26/11/2003. Bước sang tuổi 18, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thoát nghèo
Khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có địa bàn nông thôn rộng, nông dân chiếm đa số, hộ nghèo đông. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh gần 24%.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hậu Giang đạt gần 6%; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước; thu ngân sách trên địa bàn tăng qua từng năm. Đặc biệt năm 2021, dù đối mặt với những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, Hậu Giang đã thực hiện thành công "mục tiêu kép". Đó là phòng, chống dịch đạt được mục tiêu là tỉnh có số ca nhiễm, số ca chuyển nặng và số ca tử vong thấp nhất trong các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hậu Giang đạt được những kết quả quan trọng, như tăng trưởng dương 3,08% - đứng thứ hai trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn vượt qua 4.000 tỷ đồng và đạt mức 4.200 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế và nguồn thu ngân sách chuyển dịch đúng hướng, hình thành các động lực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Đó là nỗ lực không biết mệt mỏi với khát vọng vươn lên của những con người nghĩa tình, thủy chung, năng động vùng đất Hậu Giang.
Ngay nhiệm kỳ đầu khi thành lập tỉnh, Hậu Giang xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Các nhiệm kỳ tiếp theo tỉnh tập trung cho một trọng tâm từ phát triển giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp đến phát triển đô thị, nguồn nhân lực.
Công tác giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm, dù có là trọng tâm của nhiệm kỳ hay không. Trong 18 năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn quan niệm nhân dân có giàu, tỉnh mới giàu. Hậu Giang tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giảm từ 2%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng lên 1,5 đến 2 lần so với năm 2021.
Giai đoạn 2016 - 2020, Hậu Giang có hơn 73 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; có trên 2.500 hộ nghèo được hỗ trợ nhà tình thương, hỗ trợ xây dựng gần 1.000 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững như dự án Chương trình 135, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã.Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,46% xuống còn 2,23%, biên độ giảm 1,23%, vượt 0,23% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,56% xuống còn 2,47%, biên độ giảm 1,09%.
Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành không ít lần nhấn mạnh việc tiếp tục nêu cao tinh thần và khát vọng vươn lên, phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển trong nhóm dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là có chiến lược, tầm nhìn, quyết tâm đột phá, Hậu Giang xuất phát điểm thấp nên phải nuôi khát vọng lớn. Theo đó, trọng tâm là tiếp tục nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch theo nhiệm vụ cụ thể với tinh thần "đổi mới, đột phá, quyết liệt và khát vọng". Nhất là chú trọng bốn trụ cột phát triển của tỉnh; đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư, nâng cao năng lực y tế, làm tốt công tác an dân, đảm bảo đời sống của nhân dân.
"Công tác xây dựng Đảng được Hậu Giang chú trọng triển khai và có nhiều đổi mới thực chất. Đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành đồng bộ 21 văn bản, nghị quyết, đề án cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều đổi mới có tính đột phá, đã tạo nền tảng quan trọng về thể chế cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Cùng với đó, Hậu Giang thông qua định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết phát triển bốn trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; ban hành nghị quyết phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021- 2025 và các năm tiếp theo; Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong tỉnh" - Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho biết.
Phát triển bốn trụ cột
Bốn trụ cột mà Hậu Giang đề ra làm cơ sở thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá trong khu vực là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đối với công nghiệp, Hậu Giang đề ra mục tiêu phát huy tối đa mọi nguồn lực để thu hút đầu tư, phát triển trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, dự án công nghiệp có tiềm năng, đóng góp lớn vào ngân sách, doanh nghiệp sử dụng lao động trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư, tạo quỹ đất sạch trong khu, cụm công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các địa phương.
Hậu Giang phấn đấu ngành công nghiệp tăng trưởng 17% - 18%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp tăng lên 28% năm 2025 trong cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, năng suất lao động khu vực công nghiệp tăng từ 130 triệu đồng/lao động năm 2020 lên 280 triệu đồng/lao động vào năm 2025. Từ một tỉnh thuần nông, Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có một huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp đó là Châu Thành.
Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, nhưng Hậu Giang sẽ phát triển theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững. Đó là dịch chuyển từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến. Trong đó, có định hướng, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường; cũng như thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai.
Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 3%/năm giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng khu vực I giảm còn dưới 20% vào năm 2025.
Trụ cột thứ ba được tỉnh Hậu Giang xác định là phát triển đô thị với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 32%. Theo đó, Hậu Giang sẽ xây dựng huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A theo hướng phát triển thành đô thị - công nghiệp. Đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo kết nối với thành phố Cần Thơ để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là quan tâm đầu tư phát triển thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ với vai trò hạt nhân tăng trưởng. Song song đó, xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm.
Trong bốn trụ cột được Hậu Giang đề ra, phát triển du lịch được tỉnh đặc biệt quan tâm, vì tiềm năng của tỉnh rất lớn nhưng việc khai thác, phát huy lợi thế chưa xứng tầm trong thời gian qua. Do đó, tỉnh xác định mục tiêu khơi dậy hiện thực hóa tiềm năng du lịch của tỉnh và nâng cao chất lượng các hoạt động, xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.
Do vậy, không phải không có cơ sở khi tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tập trung xây dựng thành công hai điểm nhấn du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 vươn tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước là du lịch trên tàu tuyến kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc và du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng lượt khách tham quan du lịch đến tỉnh đạt 700.000 lượt, trong đó có 28.000 lượt khách quốc tế và 672.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt trên 300 tỷ đồng và gia tăng bền vững các năm sau. Đồng thời, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng sáu điểm du lịch tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp; đến năm 2030 đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia.
Hậu Giang đã và đang vươn mình mạnh mẽ. Với truyền thống, văn hóa, cốt cách tốt đẹp của vùng đất và con người gan dạ anh hùng, như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thi đua phấn đấu biến khó khăn, thách thức thành hành động, thành động lực để vươn lên tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới; đưa vùng đất, con người Hậu Giang với những con sông nặng tình phù sa, những cánh đồng bát ngát bao la và những con người hiền hậu, ngày càng đẹp hơn, để lại ấn tượng tốt hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế".
Bài 2: Đổi thay nổi bật trong phát triển kinh tế