Cùng với thách thức về ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải) do đô thị hóa mang lại, thành phố Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung ngày càng dễ bị tổn thương trước các rủi ro về lũ lụt do biến đổi khí hậu và thiên tai. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên và lưu vực các con sông dần bị thu hẹp dẫn đến năng lực thoát nước tự nhiên không đủ đáp ứng gây ra tình trạng lũ lụt khu vực ngoại thành và các vùng trũng thấp nội thành.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với các khu vực ngoại ô và phía Tây thành phố, nơi việc thoát nước vẫn cơ bản dựa vào tự nhiên hiện vẫn đối diện với tình trạng ngập nặng vào mùa mưa như các khu vực Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Phước Đồng. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây.
Bên cạnh các khu dân cư hiện hữu vẫn tồn tại giữa các khu vực đô thị mới nhưng công tác chỉnh trang, kết nối hạ tầng theo quy hoạch chưa được thực hiện đồng bộ kịp thời khiến các dòng sông tự nhiên bị bồi lấp và xâm lấn trong thời gian dài đã hạn chế đáng kể khả năng thoát nước tự nhiên của khu vực này.
Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP) giai đoạn 2022-2028 sử dụng nguồn vốn vay IBRD từ Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang trong quá trình chuẩn bị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ góp phần giải quyết vấn đề ngập lụt cho thành phố Nha Trang.
Các hạng mục cụ thể như: xây dựng kênh đào Vĩnh Trung, nạo vét khôi phục dòng chảy nối thông phần thượng lưu sông Quán Trường với sông Cái; nạo vét khôi phục dòng chảy nối thông phần thượng lưu sông Tắc; cải tạo kênh Diên An - Sông Tắc (nối với sông Suối Dầu); cải tạo kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp nối sông Tắc với sông Quán Trường; nạo vét, phục hồi khả năng thoát nước khu vực sông Bà Vệ, Kim Bồng, xây dựng các cửa điều tiết và các trạm bơm nước mưa lưu vực Bà Vệ - Kim Bồng.
Ngoài ra, để phục vụ cho việc phát triển khu vực đô thị phía Tây đang dần hình thành theo quy hoạch, dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa đã đưa vào nghiên cứu đầu tư mạng lưới thu gom, Nhà máy xử lý nước thải cho khu vực này và đầu tư một phần tuyến đường Vành đai 3 kết nối giữa Đại lộ Võ Nguyên Giáp và Đại lộ Nguyễn Tất Thành.
“Việc hồi sinh và tăng cường kết nối các con sông phía Tây Nha Trang kết hợp với việc phá dỡ đập ngăn mặn tạm tại cầu Vĩnh Phương sau khi Dự án Đập ngăn mặn Sông Cái hoàn thành (2023) cùng với hệ thống cảnh báo lũ, vận hành điều tiết lũ tại Đập ngăn mặn Sông Cái sẽ góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại khu vực phía Tây thành phố.
Như vậy, có thể nói đến năm 2028, thông qua việc đầu tư các dự án đã nêu, thành phố Nha Trang sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng úng ngập, vệ sinh môi trường cho cả khu vực trong đô thị và ngoại thành, đồng thời tăng cường kết nối giao thông và làm động lực cho việc phát triển đô thị theo định hướng”, ông Châu Ngô Anh Nhân khẳng định.