“Bà đỡ” của người nghèo
Năm 2018, ông Huỳnh Chung (xã Lộc Hòa) được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc theo chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Từ nguồn vốn ưu đãi này, gia đình ông đã mạnh dạn thực hiện cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng 40 gốc bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình ông còn được chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm huyện hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi. Đến nay, 40 gốc bưởi da xanh đã cho quả, bình quân thu nhập 2 triệu đồng/gốc/năm.
Ông Huỳnh Chung chia sẻ, so với nhiều cây ăn quả, bưởi da xanh là cây trồng có múi rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng gò đồi Lộc Hòa. Cây trồng đến năm thứ 4 sẽ bắt đầu cho trái. Sau hai năm thu hoạch, gia đình ông đã hoàn trả số tiền vay từ ngân hàng chính sách và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với 120 gốc bưởi da xanh, hai ao cá với diện tích hơn 500m2. Nhờ có nguồn vốn chính sách ưu đãi, gia đình ông đã có mô hình sinh kế với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Lộc Hòa là xã thuộc vùng gò đồi của huyện Phú Lộc, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Để phát triển kinh tế, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đời sống của người dân Lộc Hòa đã có nhiều thay đổi. Tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo của xã chiếm 3,33%, giảm 1,03% so với năm 2021.
Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa Nguyễn Hữu Thuận cho biết, hiện nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt hơn 20 tỷ đồng. Quá trình phát triển kinh tế của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn xã, nhất là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả hình thành, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, nâng cao tiêu chí thu nhập đầu người cho hộ gia đình. Địa phương hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn được vay vốn sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... ổn định cuộc sống. Theo ông Đặng Văn Tấn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đến tháng 2/2023, đơn vị đã triển khai 16 chương trình vay vốn với tổng dư nợ đạt 478 tỷ đồng, cho hơn 12.000 khách hàng vay vốn; ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội, 283 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Phú Lộc đã chuyển 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
Để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện tập trung nhân lực, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn và các bên liên quan giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... Hiện nay, Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện trên 20 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ gần 3.860 tỷ đồng, với 92 ngàn khách hàng đang được vay vốn. Riêng năm 2022, doanh số cho vay đạt trên 1.900 tỷ đồng, đáp ứng cho trên 44.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đặc biệt, trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 11/NĐ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, chi nhánh đã kịp thời giải ngân gần 310 tỷ đồng cho vay trên 5.500 khách hàng bị ảnh hưởng do đại dịch.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Lộc Đặng Văn Tấn cho biết, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng quản lý nguồn vốn ủy thác, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Đồng thời, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần cùng huyện thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023, căn cứ nhu cầu sử dụng vốn trên địa bàn, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội gần 650 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn thu hồi nợ hàng năm, Chi nhánh sẽ triển khai cho vay trên 1.500 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là các Chương trình theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; tập trung thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Thừa Thiên - Huế, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, xây dựng các mô hình sản xuất góp phần vào công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, hiện nay, tỉnh đang tập trung tất cả các nguồn lực để thực hiện tốt ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dụng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi. Vì vậy, tỉnh xác định nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện thắng lợi ba chương trình này.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng địa phương tích cực hơn nữa trong chỉ đạo, ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách, về huy động tiền để tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, nhất là các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí nguồn lực để tham gia ủy thác vào quỹ tín dụng nhằm hỗ trợ một cách hiệu quả cụ thể từng người dân và từng mô hình sản xuất. Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tăng cường vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ sở, tạo điều kiện hanh thông nhất về thủ tục đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách đúng quy định, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.