Rừng cháy bất thường
Trong các ngày từ 3 – 6/3 vừa qua, trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) thuộc địa phận xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long quản lý, liên tục xảy ra tình trạng cháy rừng. Rừng bị cháy chủ yếu là rừng tự nhiên (loại rừng hỗn giao) và nhiều đám cháy ở các vị trí liền kề với rừng trồng (chủ yếu là cây sao đen) khoảng 2-3 năm tuổi.
“Chúng tôi phát hiện cháy nên lao vội đến hiện trường vì lo lắng đang mùa khô, sợ đám cháy lan rộng không dập nổi. Vừa tới vị trí phát hiện đám cháy, anh em tuần tra, bảo vệ rừng cũng phát hiện các xe đều dính đinh. Nhìn dấu vết trên bánh xe, chúng tôi nhận định có đối tượng rải đinh xuống đường trước khi vụ cháy xảy ra” – anh Phàng Lạp Si, người dân tộc Dao, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa kể lại.
“Các đối tượng chọn những đoạn đường tuần tra rừng chính để rải, chôn đinh. Nhiều đoạn đồi, dốc cao, quanh co nên xe máy cán phải đinh rất nguy hiểm. Dù anh em đi rừng đều có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng có trường hợp té xe chảy máu do xe cán phải đinh”, anh Phàng Lạp Si chia sẻ thêm.
Để dập tắt các đám cháy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã phối hợp với UBND xã Đắk Ha tập trung tối đa lực lượng, nhân lực, vật lực. Do khu vực cháy ở xa dân cư, địa hình đồi dốc lại đang cao điểm mùa khô hạn nên việc dập lửa chỉ trông cậy vào việc phát dọn thực bì, cô lập đám cháy. Lực lượng chức năng làm việc không kể ngày đêm để xử lý, theo dõi đám cháy. Đến ngày 7/3, các đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.
Ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết các khu vực xảy ra cháy rừng đều thuộc lâm phần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Mấy năm nay, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng phá rừng, đốt rẫy. Tất cả trường hợp tác động vào rừng đều bị xử lý nghiêm.
“Có thể không phát dọn, lấn chiếm được đất rừng nên các đối tượng đốt để phá hoại. Tổng diện tích rừng bị cháy trong các ngày qua khoảng 15ha, chủ yếu là rừng tre, nứa và một số khu vực tiếp giáp với rừng sao mới trồng khoảng 2-3 năm tuổi. Chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, vào đầu mùa khô có bất kỳ đối tượng nào đến để cày xới, canh tác tại các khu vực vừa bị cháy, đơn vị sẽ ngăn chặn và báo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ” – ông Trần Văn Hòa thông tin thêm.
Từ đầu năm đến nay, đoàn liên ngành quản lý, bảo vệ rừng của huyện Đắk G’Long, xã Đắk Ha và đơn vị chủ rừng đã tiến hành nhiều đợt xử lý các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Nhiều trường hợp cố tình trồng các loại cây nông nghiệp trên đất được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa quản lý, đã bị xử lý. Đây có thể là nguyên nhân một số đối tượng nảy sinh ý định “trả đũa” và thực hiện hành vi đốt rừng để phá hoại.
Để tăng cường quản lý người, phương tiện ra, vào khu vực rừng phòng hộ và đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã tăng cường lực lượng chốt chặn. Tất cả trường hợp ra, vào rừng phòng hộ đều phải kê khai rõ mục đích và ghi chép đầy đủ thông tin cá nhân. Các hộ dân sống liền kề, thường xuyên ra, vào rừng phòng hộ cũng được vận động ký cam kết tham gia quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát được tiến hành với sự tham gia của lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và kiểm lâm địa bàn.
Nan giải giữ rừng phòng hộ đầu nguồn
Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, đơn vị được thành lập vào tháng 4/2016, đang được giao quản lý gần 11.200 ha rừng, đất rừng thuộc địa giới hành chính thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk G’long. Trong đó, diện tích đất rừng hơn 3.200ha, phần còn lại là đất chưa có rừng.
Việc quản lý, bảo vệ, tái sinh và trồng rừng phòng hộ trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, hạn chế, phòng, chống thiên tai, sạt lở đất, cũng như các diễn biến bất thường của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đô thị Gia Nghĩa và vùng phụ cận. Phần lớn diện tích đơn vị được giao quản lý (gần 90%) được quy hoạch là rừng phòng hộ.
Chế tài xử lý đối với các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng phòng hộ trái phép đều rất nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn đất chưa có rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đang bị người dân lấn, chiếm để trồng các loại cây hàng năm, lâu năm. Nhiều diện tích đã bị chiếm dụng trái phép và canh tác nhiều năm trước thời điểm Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa được thành lập. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và tái sinh, trồng rừng tại đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
“Trong số gần 8.000ha đất chưa có rừng, chúng tôi đã rà soát và xác định có hơn 2.900ha đang bị người dân lấn chiếm trái phép để làm nhà cửa, lều trại, trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như điều, cà phê… và các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ… Trước mắt, cách giải quyết của đơn vị là vận động người dân tham gia trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp tại các diện tích này” – ông Vũ Văn Trọng thông tin thêm với phóng viên.
Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, việc người dân cư trú, sinh sống trái phép trên đất rừng với diện tích lớn, dàn trải khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 800 hộ dân, chủ yếu là dân di cư không theo quy hoạch đang sinh sống, cư trú trái phép trên lâm phần được giao cho đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch ba loại rừng còn nhiều bất cập, kết quả rà soát chưa phản ánh đúng thực tế. Nhiều diện tích quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế người dân đã chiếm giữ trái phép và canh tác ổn định cả chục năm nay.
Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Đắk Nông, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long khẳng định sau khi nhận được các thông tin liên quan tới tình trạng đốt, phá hoại rừng trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ đơn vị chủ rừng trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Chính quyền xã Đắk Ha đã đề nghị lực lượng công an vào ghi nhận thực trạng, nắm tình hình và tiến hành điều tra ban đầu để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan. Các lực lượng công an, dân quân, kiểm lâm đã phối hợp, hỗ trợ đơn vị chủ rừng chốt chặn, quản lý việc ra, vào rừng phòng hộ.
"UBND huyện Đắk G’long đã trực tiếp phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách trực tiếp theo dõi công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tuần, lực lượng chức năng của tỉnh đều trực tiếp kiểm tra tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai và gần đây đã ngăn chặn được nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Huyện sẽ tiếp tục làm quyết liệt và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm", ông Trần Nam Thuần khẳng định.