Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, bên cạnh sản xuất truyền thống, nhiều người đã áp dụng khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng.
Làng gốm Phổ Khánh tập trung tại thôn Trung Sơn và Vĩnh An xã Phổ Khánh. Nghề ngày nay tuy không còn hưng thịnh nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng nhờ giữ được kỹ thuật lâu đời. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn. Trước hết là phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng.
Bà Đặng Thị Mỹ, người có kinh nghiệm làm gốm hơn 40 năm tại thôn Vĩnh An cho biết, mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật. Người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền.
Việc sử dụng các mặt hàng được sản xuất từ nhôm, sành, sứ cao cấp đã khiến các sản phẩm làm từ đất giảm mạnh, ảnh hưởng đến giá thành và đầu ra của sản phẩm gốm. Do đó, nhiều người bỏ nghề vào các công ty, nhà máy làm việc. Tuy nhiên, một số người vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, ngày ngày “thổi hồn vào đất” góp phần giữ gìn nghề truyền thống của địa phương.
Bắt đầu kéo đất, nặn gốm trên chiếc bàn chày bằng gỗ, tròn, to như cái mâm, có thể xoay quanh trục cố định, bà Mai Thị Hồng Tư (58 tuổi), thôn Vĩnh An cho hay, mỗi ngày, bà chuốt được khoảng 70 sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm có độ khó, dễ và cách nặn khác nhau. Nghề này chủ yếu chỉ làm vào mùa nắng, chuốt xong mang phơi khô cho có độ rắn, trắng đẹp rồi mới chất vào lò để nung.
Bà Mai Thị Hồng Tư cho biết thêm, gia đình hiện chỉ có mình bà còn làm gốm. Các con, các cháu không ai chịu theo nghề. Bà mong có thể truyền lại nghề cho các bạn trẻ yêu nghề và chịu khó học hỏi.
Thời hưng thịnh, làng gốm Phổ Khánh có hơn 300 hộ dân làm nghề. Hiện, làng chỉ còn 10 hộ; làm nghề, trong đó có hai lò gốm lớn của anh Nguyễn Tấn Hợp (thôn Vĩnh An) và anh Lê Trung Nam (thôn Trung Sơn). Thu nhập tuy không cao nhưng họ vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống này.
Để giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm, tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, anh Nguyễn Tấn Hợp sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất làm từ máy đều tăm tắp, năng suất một ngày gấp đôi, gấp ba lần trước kia. Anh Nguyễn Tấn Hợp cho biết, trước kia, một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được khoảng 70-90 sản phẩm. Nay nhờ cải tiến ở khâu tạo hình sản phẩm có khuôn, có máy, mỗi ngày, họ có thể làm được 200 sản phẩm với chất lượng vẫn được đảm bảo.
Vừa duy trì sản xuất bằng máy vừa nhận chuốt hàng thủ công, anh Lê Trung Nam chia sẻ, đây là nghề của cha ông để lại, anh muốn thợ vẫn giữ được nghề truyền thống này. Đối với việc nặn, chuốt thủ công, anh chỉ làm theo đơn đặt hàng bởi đó là những sản phẩm hình dáng khác thường. Với các loại sản phẩm gốm thông dụng, anh cho đúc khuôn với hình thức khá đẹp, đồng đều, da gốm láng mịn.
Ông Phạm Kim Oanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh cho rằng, tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống nhưng làng gốm Phổ Khánh chưa có thương hiệu. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm để gốm Phổ Khánh có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ để khi tuyến du lịch công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh hình thành, làng gốm có cơ hội hồi sinh trở lại. Đến nay, gốm Phổ Khánh đã có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công đồng thời với sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ.