Gìn giữ nét Kinh Bắc xưa
Đến Phù Lãng một buổi chiều cuối năm dưới cái rét cắt da cắt thịt, những lò gốm vẫn ngày đêm đỏ lửa để kịp cho ra sản phẩm gửi đi phục vụ người dân đón Tết cổ truyền. Thong dong trên con đường làng uốn lượn quanh co, chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích nào đó của xứ Kinh Bắc - thế giới của gốm!
Ngôi làng cổ bên bờ sông Cầu đậm vẻ trầm tư với sắc nâu vàng óng, mang đậm hồn của đất, gần gũi và dung dị đến nao lòng. Nắng cuối đông hanh hao vẫn đủ vàng để người dân mang gốm ra phơi. Gốm được xếp đầy sân nhà, từng hàng dài uốn lượn ven con đường làng quanh co. Lác đác những chồng củi khô cao ngất được xếp như những bức tường xen kẽ những ngôi nhà gạch trần, mái ngói nâu đỏ thấp thoáng sau luỹ tre.
Ghé thăm xưởng gốm Ngọc của nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc, nhìn những người thợ gốm mê mẩn bên bàn xoay chúng tôi có cảm giác như họ nhắm mắt cũng nặn ra gốm. Bên ánh lửa bập bùng vừa sưởi ấm vừa làm việc, anh Ngọc đang miệt mài vẽ hoạ tiết lên chiếc bình gốm chuẩn bị được đưa vào lò nung.
Trong câu chuyện với anh Ngọc, chúng tôi được hiểu thêm nhiều điều thú vị về sự hòa quện của đất, nước và lửa, về sự hồn hậu cũng như vất vả của người thợ gốm. Hành trình lấy đất, lên khuôn, tạo hình sản phẩm, rồi chuyển củi đốt lò đều tốn bao công sức, đến lúc ra gốm cũng vô cùng vất vả. Tuy nhiên, mỗi lần dỡ lò thấy những sản phẩm vàng óng, mịn màng, lấp lánh sắc nâu non bao cực nhọc đều tan biến. Khi ấy niềm hạnh phúc tột cùng của người thợ không gì so sánh được.
Dạo quanh làng, ngoài những vật dụng thường thấy như vại, chum nước, gốm Phù Lãng còn có những sản phẩm khác để trang trí nội - ngoại thất. Sự khéo tay, tinh tế và tỉ mỉ của người thợ gốm đã tạo nên những bức tranh vô cùng sống động. Dòng tranh gốm được sáng tác với nhiều chủ đề đa dạng, mộc mạc, giản dị. Mỗi sản phẩm là một khuôn hình mộc mạc, bình dị như chính người dân làng gốm, gợi nhớ về nguồn cội, quê hương.
Ông Nguyễn Văn Hưng, một người con của làng Phù Lãng cho hay, nét đặc trưng của gốm Phù Lãng chính là nước men mang sắc nâu, vàng nâu, vàng nhạt mà theo nhận xét của những người sành trong nghề đó là men da lươn. Kết hợp với đó là phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm kẹp. Điều này giúp cho các sản phẩm gốm Phù Lãng bền, đẹp và vẫn giữ được nét nguyên sơ của đất và lửa.
Chủ tịch UBND xã Phù Lãng Vũ Văn Vận cho hay, làng nghề gốm Phù Lãng hiện có khoảng hơn 200 hộ sản xuất gốm; trong đó, có 50 lò nung đốt gốm truyền thống, gần 20 lò nung đốt gốm bằng khí gas; số lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm khoảng gần 1.000 người. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng với thu nhập bình quân đạt 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc.
Vươn mình đổi mới
Theo dòng chảy của thời gian, thế hệ trẻ của làng gốm Phù Lãng hôm nay vẫn tiếp bước cha ông và không ngừng sáng tạo. Những thương hiệu như gốm Ngọc, gốm Nhung đang bay xa bởi những nghệ nhân trẻ đã bắt nhịp xu thế thị trường, sáng tạo ra những sản phẩm mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng và mang đến sức sống mới cho nghề gốm.
Bằng tình yêu của người con Phù Lãng, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc luôn tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã mới. Chính vì thế mà mỗi sản phẩm gốm qua bàn tay của anh đều có nét sáng tạo riêng.
Trong hằng hà sa số những sản phẩm gốm của anh Ngọc, chúng tôi khó có thể tìm thấy chiếc bình hoa hay bức phù điêu có hoạ tiết giống nhau. Anh Ngọc cho hay, đó là đặc trưng của gốm Ngọc, để khách hàng luôn thấy sản phẩm của mình là cái duy nhất, là hàng "độc".
Anh Ngọc chia sẻ thêm, trước kia, các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, không đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khách hàng. Từ năm 2002, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày. Hiện nay, cơ sở gốm Ngọc của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu, chum, vại, tranh gốm. Mỗi năm anh Ngọc đều sáng tạo ra những mẫu mã khác nhau để tạo nên sản phẩm không tạo cảm giác nhàm chán.
Bên cạnh đó, mạch sống làng gốm Phù Lãng giờ đây lại đang phát triển theo hướng mới, được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm tham quan du lịch làng nghề đặc sắc. Nhiều cơ sở sản xuất gốm kịp thời nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân...
Ông Nguyễn Bá Quân Phó Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ cho biết, tỉnh Bắc Ninh cũng đang chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch đối với làng gốm Phù Lãng. Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 15 tỷ đồng. Hiện nay, đã hoàn thiện khâu khảo sát quy hoạch thiết kế điểm du lịch làng nghề, thành lập hợp tác xã để chuẩn bị cho triển khai dự án.
"Trên cơ sở dự án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch của tỉnh Bắc Ninh, địa phương sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để triển khai dự án, gắn với các mục tiêu của đề án bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Phù lãng. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thực hiện thành công việc bảo tồn và phát triển nghề gốm Phù lãng; xây dựng làng gốm trở thành địa danh du lịch làng nghề; du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm OCOP theo đúng mục tiêu của tỉnh và thị xã đề ra", Phó Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ khẳng định.
Năm 2023, thị xã Quế Võ cũng đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản thực hiện dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng thị xã Quế Võ tỉnh Bắc Ninh". Dự án này đang đào tạo kỹ thuật làm gốm của các nghệ nhân gốm làng TOHO của Nhật Bản cho khoảng 60 học viên làm gốm Phù Lãng theo công nghệ Nhật Bản. Dự án kết thúc vào tháng 8/2024.
Ông Onimaru Yusuke - nghệ nhân gốm Nhật Bản, Giám đốc Dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng thị xã Quế Võ tỉnh Bắc Ninh" chia sẻ, Phù Lãng có nhiều triển vọng phát triển du lịch. Trong bối cảnh các làng nghề truyền thống đang bị công nghiệp hóa, làng nghề vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc bình dị với nhiều nét văn hóa truyền thống. Đó chính là giá trị riêng mà không gì có thể thay thế và cũng không đâu bắt chước được.
"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ làm ra sản phẩm và bán chúng mà còn mong muốn xây dựng nơi đây trở thành điểm đến tham quan du lịch làng nghề, giúp làng gốm có thêm hướng phát triển hiệu quả trong tương lai. Tôi mong người dân nơi đây có thêm sự tự tin, vừa tạo ra phong phú các sản phẩm gốm chất lượng cao, vừa cải thiện không gian cảnh quan môi trường sống của làng nghề, đồng thời trân trọng bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê này", nghệ nhân Onimaru Yusuke bày tỏ.
Rời Phù Lãng khi nắng chiều đã tắt, trong cái rét ngọt những ngày cuối năm, những lò gốm vẫn đỏ lửa, những người thợ vẫn đang miệt mài tiếp nối công việc của cha ông, một cảm giác ấm áp khiến ai nấy chẳng muốn rời xa ngôi làng đẹp như cổ tích. Hẹn gặp lại Phù Lãng trong một ngày không xa để thấy nơi đây là điểm đến hấp dẫn của hàng ngàn du khách.